Sáng 16-2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp thứ 4 của Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và tổ chuyên gia tư vấn xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM.
Phiên họp ngoài nghe báo cáo kết quả 6 tháng triển khai hoạt động của hội đồng, các thành viên hội đồng tư vấn và tổ chuyên gia tập trung vào góp ý đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị (metro) kết hợp mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng (TOD) làm định hướng tại TP.HCM.
Một số chuyên gia, thành viên tổ tư vấn nhận định "tham vọng" xây dựng 200km đường sắt trong vòng 12 năm (đến 2035) tại TP.HCM là mục tiêu bất khả thi, rất khó thực hiện nếu không có cách làm mới.
KTS Ngô Viết Nam Sơn dẫn chứng với cách làm cũ để làm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên gần 20km mất đến gần 20 năm. Từ đó ông Sơn đề nghị cần có tư duy, cách làm mới.
Theo ông Sơn, thay vì chỉ Ban quản lý đường sắt đô thị TP, cách làm mới phải đặt nhiệm vụ phát triển đường sắt đô thị cho một tổ hợp đa ngành. Trong đó, ông nhấn mạnh và ủng hộ cần thành lập tập đoàn phát triển đường sắt đô thị và TOD.
Tập đoàn này giống một công ty cổ phần, tiếp cận theo hướng đa ngành, với những cổ đông đầu tiên sẽ là các sở, ban, ngành của TP. UBND TP.HCM sẽ là nhạc trưởng của tập đoàn.
"Chúng ta hơi chủ quan khi nghĩ làm nguyên đề án chung cho một hệ thống đường sắt đô thị cho nhanh. Tuy nhiên theo kinh nghiệm, hoạt động đường sắt, phát triển dự án, bồi thường giải tỏa mặt bằng... liên đới với nhau", ông Sơn nói và cho rằng cần phải thận trọng xây dựng các nhóm cơ chế liên quan thành một tổ hợp đầy đủ để "đảm bảo làm là thắng".
Ông Sơn đề nghị đề án xây dựng tổng thể các nhóm cơ chế về quy hoạch, phạm vi thu hồi đất; cơ chế phát triển các dự án thành phần; cơ chế định giá đất bồi thường; cơ chế nguồn vốn thực hiện dự án; cơ chế đào tạo nguồn nhân lực...
TS Vũ Minh Khương, thành viên hội đồng tư vấn và tổ tư vấn đường sắt sắt đô thị, cũng đồng tình phải có liên minh hành động, tập hợp đại diện các bộ ngành, TP.HCM, Hà Nội, các chuyên gia và nhà đầu tư quốc tế.
"Toàn bộ lực lượng tinh nhuệ về lĩnh vực đường sắt đô thị của cả nước phải tham gia vào liên minh này", ông Khương kiến nghị.
TS Trần Đình Thiên cho rằng cách tiếp cận xây dựng một đề án tổng thể phát triển hệ thống đường sắt tại TP.HCM là đúng. Ông Thiên cho rằng việc xây dựng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) sẽ dễ thuyết phục.
Theo ông Thiên, hiện nay TP.HCM có điều kiện rất thuận lợi khi Thủ tướng trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo thực hiện nghị quyết 98 và Thủ tướng đang cực kỳ ủng hộ phân cấp, phân quyền triệt để cho TP.HCM.
Vấn đề đặt ra, TP.HCM phải "đủ tài năng" để đưa ra những đề xuất đặc biệt để thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị trong đề án phải xin phân cấp, phân quyền triệt để cho TP.HCM thực hiện, quyết định tất cả các khâu từ quy hoạch, phê duyệt dự án, thu hồi đất đấu giá...
Tiếp cận làm đường sắt đô thị theo đa ngành
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định không chỉ đường sắt đô thị, các vấn đề khác của thành phố, UBND TP đều chỉ đạo tiếp cận đa ngành, tổng thể theo mục tiêu phát triển bền vững và lấy người dân làm trung tâm.
Đó là lý do mà vì sao TP.HCM thành lập nhiều ban chỉ đạo, tổ công tác khi giải quyết các vấn đề lớn.
Cụ thể ở việc xây dựng hệ thống metro, Chủ tịch UBND TP chia sẻ tư duy đa ngành được thành phố tiếp cận ngay từ đầu. Trong đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị đóng vai trò thường trực, các sở, ngành liên quan phối hợp dưới sự chỉ đạo, điều hành của UBND TP.
Đối với đề xuất thành lập tập đoàn metro và TOD, Chủ tịch UBND TP cho hay sẽ nghiên cứu thêm vấn đề này. Việc tập đoàn thành lập khi nào, giai đoạn nào, thành phố sẽ nghiên cứu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận