Quang cảnh hội thảo - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng Đông Nam Bộ quá chậm trong khi vùng này đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước. Các chuyên gia đề xuất vùng phải có nguồn lực và thực quyền. Đó là được thành lập quỹ đầu tư và quyết định các dự án cũng như đối thoại bình đẳng với trung ương.
"Tiền đâu? Đất đâu và ý chí đâu?"
Góp ý tại hội thảo, tiến sĩ Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, chỉ ra để giải quyết việc đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ phải trả lời ba câu hỏi lớn: "Tiền đâu? Đất đâu và ý chí đâu?". Và trong điều kiện ngân sách khó khăn, câu hỏi "tiền đâu?" rất quan trọng.
TS Phước trả lời câu hỏi "tiền đâu?" bằng cách đưa ra mô hình "quỹ đầu tư vùng". Quỹ này phải vận hành đúng theo cơ chế quỹ đầu tư, trong đó nhà nước hay thương nhân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều xem như một nhà đầu tư trong quỹ. Và hội đồng quản trị của quỹ là lãnh đạo các địa phương trong vùng.
Những ý kiến khác cũng đồng tình khi cho rằng vùng phải có sự tự chủ và được phân cấp trong quyết định đầu tư hay chuyển đổi đất.
"Hội đồng này sẽ lựa chọn đầu tư dự án nào, con đường nào có tính chất kết nối liên vùng khi được các cấp thẩm quyền thông qua quy hoạch", TS Phước gợi ý.
Tiến sĩ Trương Văn Phức phát biểu tại hội thảo - Ảnh: DUYÊN PHAN
TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng vùng phải có nguồn lực, có hiệu lực và thể chế vùng phải là thể chế đối thoại bình đẳng, trong tư thế độc lập với trung ương.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên tại hội thảo - Ảnh: DUYÊN PHAN
PGS-TS Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - đề nghị nếu cả vùng thu ngân sách vượt chỉ tiêu thì phần vượt thu được để lại nhằm đầu tư cho vùng mà không phải điều tiết về trung ương. Các thành viên trong vùng phải bảo vệ cái chung, ví dụ như dự án làm ở tỉnh A nhưng gây thiệt hại môi trường cho tỉnh B thì phải dừng.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân tại hội thảo "Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ” - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Vì sao nghẽn cả ba đường?"
Tất cả ý kiến tại hội thảo nhìn thẳng vào thực trạng kết nối giao thông của vùng Đông Nam Bộ. Đó là nghẽn cả đường bộ, đường thủy và hàng không. Là tính kết nối yếu kém, thua xa những vùng khác và không tương xứng tiềm năng. Do vậy, các chuyên gia khẳng định câu chuyện vùng kinh tế Đông Nam Bộ chậm phát triển hạ tầng giao thông kết nối là chuyện của quốc gia. Kết nối Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành không phải với riêng Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, mà là kết nối cho cả vùng Đông Nam Bộ và cả kết nối quốc tế.
Xe cộ tắc nghẽn trên QL51 cuối tháng 7-2020 - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Ông Nguyễn Danh Huy, vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư - Bộ GTVT, đưa ra một thống kê để chứng minh nhận định trên. Đó là theo quy hoạch, vùng Đông Nam Bộ có 11 cao tốc với tổng chiều dài 970km và cuối năm 2020 phải đưa vào sử dụng gần 500km. Nhưng đến nay mới chỉ có hơn 120km đưa vào hoạt động, đang đầu tư 270km.
Theo ông Huy, nguyên nhân chậm là quyết tâm chính trị từ trung ương đến địa phương. Ngoài ra còn có nguyên nhân do nguồn lực và khung pháp lý trong phân bổ ngân sách, trong huy động nguồn lực đầu tư tư nhân còn nhiều bất cập.
TS Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại hội thảo - Ảnh: DUYÊN PHAN
TS Nguyễn Đức Kiên, tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chỉ rõ nguyên nhân hơn. Đó là bởi thiếu sự chỉ đạo thống nhất trong việc thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Cơ chế chỉ huy, phối hợp trong vùng không rõ ràng, chương trình hành động của các tỉnh trong khu vực chưa có sự kết nối với nhau.
"Các tỉnh, thành trong vùng cần phối hợp với nhau để chọn làm cái gì", TS Kiên nói.
Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nhân sẽ được tập hợp thành văn bản để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.
Ông Võ Thành Thống phát biểu tại hội thảo - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trước câu hỏi, "có ý kiến cho rằng, việc phân bổ nguồn lực chưa được tính toán kỹ khi chưa đặt trọng tâm ở vùng trọng điểm, ông Võ Thành Thống, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí định mức bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025, trong đó có hướng tới vấn đề "trọng tâm, trọng điểm". Hiện bộ Kế hoạch và đầu tư đang dự thảo kế hoạch để trình Chính phủ và trình Quốc hội. Tuy hiện nay, kế hoạch bố trí vốn này phải chờ Quốc hội khóa mới thông qua nhưng ông Thống khẳng định sẽ cố gắng bố trí vốn để đưa các công trình giao thông có tính tháo gỡ các nút thắt ở vùng Đông Nam Bộ, cho giai đoạn phát triển tới.
ĐÔNG HÀ ghi
Tham dự hội thảo có khoảng 200 đại biểu gồm lãnh đạo của 7 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bình Thuận; lãnh các bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đây là hội thảo do báo Tuổi Trẻ chủ động đề xuất, phối hợp các cơ quan nói trên tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận