Ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng việc sửa đổi Luật đất đai liên quan mật thiết đề quyền lợi của người dân, vì thế trong quá trình sửa đổi sẽ tăng cường lấy ý kiến rộng rãi - Ảnh: XUÂN LONG
Chiều 12-6, Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội về một số định hướng lớn cần sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết dự án Luật đất đai sửa đổi dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5-2020, xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 10-2020.
Ông Hà cho biết sẽ có nhiều vấn đề lớn đề đất đai sẽ được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến trong quá trình sửa đổi, bổ sung dự án Luật đất đai. Việc sửa đổi Luật đất đai được định hướng đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, sẽ nghiên cứu, tháo gỡ đối với những vấn đề còn bất cập, tồn tại.
"Quá trình sửa đổi luật sẽ tăng cường lấy ý kiến rộng rãi. Hi vọng Luật đất đai sửa đổi đến khi trình ra Quốc hội sẽ tạo ra được sự đồng thuận cao", ông Hà nói.
Về những định hướng sửa đổi Luật đất đai, ông Lê Thanh Khuyến, tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cho biết trong thực tế thi hành Luật đất đai, đặc biệt sau giám sát tối cao của Quốc hội vừa qua, cho thấy bên cạnh những kết quả vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.
Qua tổng kết, đánh giá thực tiễn từ các địa phương, đồng thời tiếp thu các kiến nghị của đoàn giám sát tối cao của Quốc hội qua giám sát vừa qua, vấn đề quy hoạch sử dụng đất sẽ được nghiên cứu, hoàn thiện.
"Nội dung sửa đổi chắc chắn cần hoàn thiện các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó định hướng có những khu vực bảo vệ nghiêm ngặt như như đất trồng lúa, đất rừng tự nhiên, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng", ông Khuyến cho hay.
Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, về đấu giá quyền sử dụng đất và sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT, dự thảo Luật đất đai sửa đổi dự kiến quy định cụ thể về việc sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao (BT) theo hướng: hàng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lập và trình HĐND cùng cấp thông qua danh mục các dự án cần đầu tư theo hình thức BT và quỹ đất để đấu giá tạo nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.
Quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng được tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Tiền thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng đất nộp ngân sách, và được xác định thành một mục trong ngân sách để thực hiện chi trả cho các công trình, dự án đầu tư theo hình thức BT.
Dự thảo Luật đất đai sửa đổi cũng dự kiến bổ sung quy định đối với các dự án BT thực hiện tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, hàng năm UBND cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ cho phép dùng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư. Nhà nước thực hiện việc điều tiết giá trị tăng thêm từ đất, do kết quả đầu tư dự án BT đối với quỹ đất sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư tại thời điểm hoàn thành dự án BT.
Sửa đổi, bổ sung quy định của Luật đất đai theo hướng: giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp sử dụng đất để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng; dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án thương mại, dịch vụ.
Đối với Luật bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Văn Tài, tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cũng cho biết dự thảo luật sửa đổi lần này dự kiến có thêm nhóm chính sách về tiêu chí sàng lọc dự án đầu tư.
"Mục tiêu của những chính sách này nhằm tăng tính chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm. Điều này đồng nghĩa với việc chủ động phòng ngừa từ xa với những dự án lớn có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao", ông Tài cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận