14/08/2024 10:13 GMT+7

Đề xuất quy định mới phòng cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh

Tại dự Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã đề xuất nhiều quy định mới về phòng cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp với kinh doanh.

Đề xuất quy định mới phòng cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới - Ảnh: Media Quốc hội

Sáng 14-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đề xuất quy định mới về nhà ở kết hợp kinh doanh

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho hay tiếp thu ý kiến đại biểu, thường trực ủy ban đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách một điều quy định về phòng cháy đối với nhà ở và một điều quy định về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh...

Dự luật quy định nhà ở phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy gồm lắp đặt, sử dụng thiết bị điện bảo đảm an toàn. Bố trí bếp đun nấu, nơi thờ cúng, đốt vàng mã bảo đảm an toàn; để vật, chất dễ cháy, nổ xa nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Nhà ở phải bảo đảm các điều kiện về chữa cháy, thoát nạn gồm có phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn. 

Bố trí, duy trì lối đi bảo đảm việc thoát nạn hoặc lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp...

Nhà nước khuyến khích hộ gia đình lắp đặt thiết bị có chức năng báo cháy và kết nối với hệ thống truyền tin báo sự cố...

Về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, dự thảo quy định nhà ở kết hợp kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy theo quy định đối với nhà ở và bảo đảm các điều kiện.

Bao gồm có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Khu vực kinh doanh phải được ngăn cách với khu vực để ở.

Nhà ở sử dụng vào mục đích kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy quy định trên và bảo đảm các điều kiện gồm không bố trí gian phòng để ngủ xen kẽ trong khu vực kinh doanh.

Có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị báo rò rỉ khí cháy, khí độc theo quy định. Lối thoát nạn của khu vực để ở phải được ngăn cháy lan với khu vực kinh doanh.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang - Ảnh: Media Quốc hội

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang - Ảnh: Media Quốc hội

Có thể gây khó cho cả cơ quan thực thi và người dân

Nêu ý kiến sau đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho hay quy định trong dự thảo về phòng cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh còn chưa rõ ràng, có thể gây khó cho cả cơ quan thực thi pháp luật và người dân.

Ông nói dự thảo quy định nhà ở kết hợp với kinh doanh phải có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị báo rò rỉ khí cháy, khí độc theo quy định.

"Vấn đề ở chỗ ai quy định không rõ. Đây là loại hình rất phổ biến, đặc biệt ở các đô thị, gần như các nhà mặt phố đều có sự kết hợp với kinh doanh. Nếu không quy định cụ thể nên giao cho Chính phủ, bộ trưởng Bộ Công an quy định", ông Giang nêu.

Liên quan xử lý các cơ sở, công trình không đạt yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, theo ông Giang đây là nội dung mà luật chưa xử lý được.

Ông nêu trước đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giám sát về phòng cháy chữa cháy và qua rà soát, đến thời điểm này số cơ sở vi phạm về phòng cháy chữa cháy so với thời điểm giám sát đã tăng lên.

Ông dẫn lại theo báo cáo của Bộ Công an, mới chỉ xử lý được 1.487 công trình/7.187 công trình ở 35 địa phương. Với các công trình chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nhưng đã đưa vào sử dụng mới khắc phục được 2.964 công trình/11.007 công trình.

Có những công trình không thể khắc phục được, ví dụ như khu nhà HH Linh Đàm, cả chục tòa nhà không biết khắc phục như thế nào.

“Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xuống giám sát ở đó, tôi có hỏi người dân bảo ngày nào chả có báo cháy vì chục tòa nhà liền kề như thế thì không biết xử lý như thế nào.

Tôi đề nghị phải rất thực tế mới xử lý được và phải có khoảng thời gian nhất định, chứ quy định chung chung, không biết có khoảng thời gian nào xử lý”, ông Giang nêu.

Ông dẫn ví dụ với công trình nhà ở kết hợp kinh doanh, cần có thời hạn để đến khi luật có thời hạn, ta có thời hạn ít nhất để khắc phục tối thiểu những công trình này, nếu không sẽ phải dừng hoạt động hết với công trình này.

Cũng nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản đồng ý với việc tách và bổ sung quy định cụ thể hơn với 2 loại hình nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh.

Ông nói thực tế vừa qua các vụ cháy xảy ra với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh đã cho nhiều kinh nghiệm, bài học đắt giá. Nên phải đúc kết đưa vào luật nhằm hạn chế tối đa cháy, hậu quả cháy khi xảy ra.

Tuy nhiên đề nghị cơ quan thẩm tra, soạn thảo rà kỹ để đảm bảo khi đặt ra quy định mới, hoàn thiện quy định mang tính kế thừa đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Đảm bảo tính hợp lý, không gia tăng quá mức chi phí tuân thủ pháp luật cho các tổ chức, cá nhân.

Kết luận nội dung về phòng cháy chữa cháy với nhà ở, nhà ở kết hợp với kinh doanh, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ ngoài các quy định trong dự luật đã có, cần giao Chính phủ quy định chi tiết để luật đi vào cuộc sống, phù hợp thực tiễn.

Đồng thời nghiên cứu xem có cần quy định rõ một khoản về phòng cháy, chữa cháy với nhà cao tầng.

Đại biểu Quốc hội đề xuất trang bị máy bay cho lực lượng phòng cháy, chữa cháyĐại biểu Quốc hội đề xuất trang bị máy bay cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy

Với lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên trách, đại biểu Lê Kim Toàn đề nghị có chính sách để tiến thẳng lên hiện đại từ phương tiện, lực lượng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên