21/08/2013 07:10 GMT+7

Đề xuất quy định giá trần cho xăng dầu và điện

LÊ THANH
LÊ THANH

TT - Nhà nước cần phải quy định giá trần đối với các mặt hàng của những doanh nghiệp chiếm vị thế độc quyền, thống lĩnh thị trường nhằm buộc các doanh nghiệp không thể bán quá đắt, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.

PmkgdJMl.jpgPhóng to
Nhiều chuyên gia đề nghị Nhà nước phải có cơ chế hạn chế các doanh nghiệp độc quyền tự do quyết định giá nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Ảnh: M.Đức

Đó là đề xuất của chuyên gia Vũ Đình Ánh tại buổi tọa đàm “Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về giá đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho các doanh nghiệp có vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường sản xuất kinh doanh” do Bộ Tài chính tổ chức hôm 20-8. Theo ông Ánh, Nhà nước phải quy định giá trần giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng đối với hai mặt hàng là xăng dầu và điện, do các mặt hàng này được Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) và Tập đoàn Điện lực VN độc quyền kinh doanh. Một khi đã có giá trần, các doanh nghiệp này buộc phải cắt giảm chi phí, tiết kiệm tối đa để có lãi.

* Giá trần được xây dựng trên cơ sở nào, thưa ông?

- Cơ quan quản lý sẽ căn cứ các chi phí đầu vào như thuế, chi phí kinh doanh, lương... để tính giá trần. Đơn cử như trong cơ chế tính giá xăng dầu, cơ quan quản lý tính toán Petrolimex chỉ cần 10.000 nhân viên thôi nhưng lại tuyển đến 15.000 nhân viên thì chắc chắn là khó khăn rồi. Với giá trần đó, Petrolimex hay bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải chấp hành, dù kinh doanh thua lỗ cũng không được đòi bán vượt giá trần để bù.

Tuy nhiên, khác với cơ chế Nhà nước định giá và yêu cầu doanh nghiệp bán đúng giá đã định, cơ chế giá trần này cho phép chỉ được bán dưới giá trần mà thôi.

* Giá bán sản phẩm phụ thuộc chi phí của mỗi doanh nghiệp, việc áp giá trần sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp?

- Khi Nhà nước đưa ra giá trần, các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh với nhau qua việc giảm chi phí kinh doanh thay vì tăng giá. Giá bán chỉ có từng đó thôi, muốn tăng thị phần thì doanh nghiệp phải bán giá hợp lý và muốn bán giá hợp lý thì phải ép giảm mọi chi phí xuống, chứ Nhà nước cứ kêu gọi họ tiết kiệm thì khó mang lại hiệu quả.

Nói tóm lại, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như tăng hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp độc quyền, Nhà nước phải có cơ chế để ép các doanh nghiệp độc quyền giảm giá thành và chi phí, nâng cao hiệu quả lao động chứ không phải cứ đổ vào giá.

* Liệu quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo nếu áp giá trần?

- Để hài hòa lợi ích giữa các bên, Nhà nước phải đứng ngoài và phải là người phân xử để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Còn điều hành theo kiểu “hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp” như hiện nay là không ổn, bởi hầu hết doanh nghiệp chiếm vị thế độc quyền đều là doanh nghiệp nhà nước.

Xăng dầu có lời vẫn được xả quỹ bình ổn giá

Theo Hiệp hội Xăng dầu VN, hiện nay giá cơ sở của mặt hàng xăng A92 đã bắt đầu có lãi. Cụ thể, tính đến ngày 19-8 giá xăng A92 tại Singapore trung bình 30 ngày chỉ có 115,02 USD/thùng, tương ứng với giá cơ sở trung bình 30 ngày chỉ khoảng 24.450 đồng/lít. Trong khi đó, giá bán lẻ của Tập đoàn Xăng dầu VN là 24.570 đồng/lít. Như vậy doanh nghiệp xăng dầu có lãi 120 đồng/lít. Tuy nhiên, hiện Bộ Tài chính vẫn đang cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được sử dụng quỹ bình ổn giá với mức 300 đồng/lít xăng A92. Tính cả khoản này, doanh nghiệp đang lời 420 đồng/lít.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp xăng dầu, giá xăng A92 những phiên gần đây thường giao dịch ở mức trên 114 USD/thùng. Nếu tính theo giá cơ sở trung bình 10 ngày trở lại đây, doanh nghiệp xăng dầu được lãi khoảng 550 đồng/lít xăng. Được biết, các doanh nghiệp xăng dầu vẫn tiếp tục duy trì mức chiết khấu cao cho các đại lý ở mức 600-700 đồng/lít.

* TSKH NGUYỄN THỊ HIỀN (nguyên thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng):

Nên thuê kiểm toán vào soi các ngành còn độc quyền

Giám sát của cơ quan quản lý với giá những mặt hàng có doanh nghiệp độc quyền, chiếm vị thế thống lĩnh thị trường còn hạn chế. Như hạch toán trong ngành điện khá phức tạp. Nếu những chuyên gia, cơ quan quản lý giá mà không am hiểu kỹ thuật ngành điện thì cũng không thể hiểu được cơ cấu giá điện được EVN tính như thế nào. Nói cách khác, nếu các cơ quan quản lý không có chuyên môn thì sẽ bất lực với việc thẩm định giá các ngành có kỹ thuật đặc thù. Do vậy, tôi đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng nên thuê các cơ quan kiểm toán vào để soi giá của các ngành còn độc quyền là điện và xăng dầu.

* Ông NGÔ TRÍ LONG (chuyên gia kinh tế):

Nhà nước phải kiểm soát được chi phí

Nhà nước phải kiểm soát được chi phí của ngành xăng dầu và điện. Chẳng hạn với giá xăng, cơ quan chức năng phải tính toán thật chính xác mức giá nhập. Còn với điện, Nhà nước phải tính toán được chi phí một cách hợp lý, tức là tính đúng và tính đủ các chi phí, gồm những chi phí gì, mức chi là bao nhiêu...

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên