Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh việc tạo thành mạng lưới kết nối hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19 - Ảnh: HÀ QUÂN
Đó là những thông tin được đưa ra trong Hội nghị trực tuyến đánh giá và triển khai một số giải pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong đại dịch COVID-19 do Bộ Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ Giáo dục và đào tạo, trụ sở các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, sở lao động - thương binh và xã hội 20 tỉnh thành.
Cần nhiều giải pháp ‘đi trước một bước’
Báo cáo tại hội nghị, ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), dẫn các số liệu "đáng buồn" như gần 40.000 trẻ em là F0, F1 (tính hết ngày 31-8). TP.HCM là địa phương có số trẻ em là F0, F1 cao nhất cả nước với số trẻ đang điều trị là khoảng 2.500/40.000 bệnh nhân đang điều trị (tính đến ngày 1-9).
Theo Bộ Y tế, có khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội là trẻ em từ 0 đến 5 tuổi (tính từ ngày 5-7 đến ngày 30-7). Đặc biệt, trong đợt dịch lần 4 này tại TP.HCM, có gần 250 trẻ em bị mồ côi cha mẹ hoặc cha hoặc mẹ...
Do vậy, ông Đặng Hoa Nam đề xuất UBND tỉnh, thành phố ưu tiên chăm sóc, điều trị các trường hợp trẻ em F0, F1; ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ quản lý, người chăm sóc trẻ em của các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung; sớm nghiên cứu, sản xuất vắc xin cho trẻ em...
Trong khi đó, ông Trần Công Nguyên, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP Đà Nẵng, cho hay với 1.000 F0, F1 trẻ em được thu dung tại các cơ sở cách ly tập trung nên TP Đà Nẵng đã dành chính sách ưu tiên như phần cơm đặc biệt cho trẻ em, nhu yếu phẩm cho gia đình có trẻ nhỏ…
Để bảo vệ trẻ trước COVID-19, ông Nguyên kiến nghị sớm có vắc xin COVID-19 cho trẻ em và các bộ, ngành có giải pháp bảo vệ trẻ em khi học tập, giải trí trên Internet an toàn vì TP Đà Nẵng đã có trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng.
Trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà tiếp nhận các kiến nghị "mang tính toàn cầu" này của TP Đà Nẵng và đề nghị các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước có sự phối hợp để sớm có giải pháp ngăn chặn xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và nghiên cứu, sản xuất vắc xin dành riêng cho trẻ em.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh vắc xin cho trẻ em đang được tiếp tục nghiên cứu. Tháng 7-2021, nhóm cố vấn chiến lược của WHO về tiêm chủng (SAGE) đã kết luận rằng vắc xin Pfizer-BioNTech phù hợp để sử dụng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.
Nhiều giải pháp hỗ trợ trẻ em kịp thời
Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà cho hay dịch bệnh đã khiến số trẻ em nhiễm bệnh gia tăng, số tử vong cũng tăng cao, nhiều trẻ có biểu hiện khiến gia đình quan tâm như ảnh hưởng sức khỏe, biểu hiện tăng động… Đặc biệt, bà Hà nêu thực tế nhiều trẻ em "không có không gian vui chơi mà chỉ có 4 bức tường".
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá: "Các chính sách hỗ trợ cho trẻ em là F0, F1, phụ nữ đang mang thai, người nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Thực tế, trên 108.000 người lớn và trẻ F1 được hỗ trợ tiền ăn với gần 116 tỉ đồng".
Thứ trưởng Hà nhấn mạnh Bộ Lao động - thương binh và xã hội tiếp tục phối hợp các bên liên quan để hỗ trợ trẻ em khó khăn như có chính sách đặc thù, gói hỗ trợ khẩn cấp, hỗ trợ thiết bị học tập, đề xuất Chính phủ chủ trương, nghiên cứu, sản xuất vắc xin cho trẻ em.
Tại đầu cầu TP.HCM, ông Trần Ngọc Sơn, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, chia sẻ sở này đã xây dựng các giải pháp, mã QR Code trên mạng xã hội để hỗ trợ trẻ em khó khăn do COVID-19, cung cấp dịch vụ bảo vệ - chăm sóc trẻ em, đưa những hộ có phụ nữ mang thai về quê sinh con…
Các cơ quan của Liên Hiệp Quốc cam kết hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn nữa trong việc bảo vệ trẻ em trong đại dịch COVID-19 - Ảnh: HÀ QUÂN
Tại hội nghị, anh Lê Hải Long, phó chủ tịch Hội đồng Đội trung ương, chia sẻ Trung ương Đoàn đã tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng trực tuyến về phòng, chống đuối nước, xâm hại, thương tích và kỹ năng bảo vệ trước dịch bệnh cho các em thiếu nhi vào sáng chủ nhật hằng tuần (từ tháng 6 đến nay).
Theo anh Lê Hải Long, có 3 triệu ly sữa và 500.000 sách báo thiếu nhi tới tay các em trong khu cách ly tại các tỉnh bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Đầu năm học mới, gần 400.000 cuốn vở và 2.000 bộ đồ dùng học tập trị giá hơn 4 tỉ đồng đã hỗ trợ nhiều em học sinh khó khăn.
"Ngay cuối tuần này, chương trình hỗ trợ máy tính bảng, laptop, máy tính để bàn hoặc thiết bị kết nối Internet sẽ được triển khai để không trẻ em nào không học trực tuyến mà không được hỗ trợ. Từ nay đến hết năm 2021, khoảng 100.000 trang thiết bị học tập trực tuyến sẽ đến tay các em", anh Long nói.
Theo Cục Trẻ em, Việt Nam có trên 24 triệu trẻ (chiếm gần 26% dân số tính tới năm 2020), trong đó trẻ nam là hơn 12,9 triệu và trẻ nữ là khoảng 11,8 triệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận