Mới đây, Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải tình hình triển khai thực hiện dự án đường vành đai 4 TP.HCM đoạn qua tỉnh này. Đáng chú ý, hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi dự án dịch chuyển một đoạn đường từ phía tây sang phía đông sông Vàm Cỏ Đông để "né" khu vực đông dân cư và các tuyến đường cũ.
Dài thêm 5,4km nhưng né được khu đông dân cư để giảm chi phí
Theo quy hoạch trước đây, trong số 5 tỉnh, thành có đường vành đai 4 đi qua, Long An có tuyến dự án dài nhất với 69,1km.
Từ năm 2021, nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Mikgroup Việt Nam được giao lập đề xuất dự án đoạn đường qua tỉnh này theo phương thức đối tác công tư, với điểm đầu tuyến tại kênh Thầy Cai (giáp ranh giữa huyện Đức Hòa, Long An và huyện Củ Chi, TP.HCM) và điểm cuối tuyến nối với trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP.HCM).
Theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà nhà đầu tư vừa lập, hướng tuyến về cơ bản vẫn tuân thủ theo quy hoạch chi tiết đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2011.
Tuy nhiên, đoạn đường từ nút giao giữa đường tỉnh 825 và quốc lộ N2, thị trấn Hậu Nghĩa, Đức Hòa xuống gần nút giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương thuộc thị trấn Bến Lức trước đây được tính toán chạy dọc phía đông sông Vàm Cỏ Đông theo đường tỉnh 830 hiện hữu (dài khoảng 26km), nay được thay đổi bằng cách mở đường mới, thêm 2 cầu, chạy dọc phía tây sông Vàm Cỏ Đông.
Với thiết kế này, toàn tuyến đường sẽ dài thêm 5,4km, nâng tổng tuyến qua Long An là 74,5km. Cộng thêm 3,8km đoạn qua TP.HCM để đấu nối vào trục Bắc - Nam, toàn tuyến dự án mà nhà đầu tư nghiên cứu tiền khả thi là 78,3km.
Theo một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, tuy "kéo dài" thêm 5,4km và phải bắc thêm 2 cây cầu lớn qua sông Vàm Cỏ Đông, tăng tổng tuyến lên 21 cây cầu (8 cầu lớn và 10 cầu nhỏ vượt sông, 2 cầu vượt nút giao và 1 cầu cạn) nhưng nhờ né được khu dân cư đông đúc và các tuyến đường hiện hữu sẽ giúp giảm hàng ngàn tỉ đồng kinh phí giải phóng mặt bằng.
"Bên cạnh đó, khi đưa đường này sang phía tây sông, sẽ còn hòa vào tuyến đường tỉnh quy hoạch chính yếu là đường Bình Chánh - Lương Hòa - Bình Hòa Bắc - Mỹ Quý Tây để nối kết thêm vùng giáp ranh TP.HCM từ huyện Bình Chánh lên đến biên giới tỉnh Long An", vị này nói.
Dự kiến phân kỳ đầu tư sẽ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn trước mắt sẽ đầu tư xây dựng cao tốc và một đoạn đường đô thị 9,5km với quy mô 4 làn xe và một số đoạn đường song hành mà tuyến đường này trùng với các tuyến đường cũ.
Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư xây dựng cao tốc đô thị với quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch 8 làn xe và các đoạn đường song hành còn lại.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 được dự kiến là 43.456 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước và vốn của nhà đầu tư.
Đề xuất 9,5km cuối từ cao tốc thành đường trục chính đô thị để dễ kết nối
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Long An, ngoài việc chỉnh lại 26km đường nói trên, dự án vành đai 4 còn thêm vướng mắc ở đoạn cuối dài 9,5km. Nếu đầu tư theo thiết kế cao tốc đô thị thì sẽ không thuận lợi kết nối các đô thị dọc hai bên tuyến, việc đấu nối nút giao với đường tỉnh 826D sẽ làm chiếm dụng mặt bằng lớn, ảnh hưởng đến quy hoạch khu đô thị Phước Vĩnh Tây, khu dân cư thương mại dịch vụ Tân Tập - Long Hậu (huyện Cần Giuộc).
Do đó, sở cũng kiến nghị điều chỉnh đoạn cuối này từ cao tốc đô thị thành đường trục chính đô thị nhằm thuận lợi kết nối với các đô thị hai bên và tiết kiệm kinh phí nhờ kết nối đơn giản vào đường tỉnh 826D.
Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước dự án đường vành đai 4 đoạn qua tỉnh Long An cũng được đề xuất thực hiện tương tự như đường vành đai 3 TP.HCM, tức là Long An 25% và Trung ương 75%. Còn đoạn 3,8km qua địa phận TP.HCM sử dụng 100% vốn ngân sách của TP.HCM để đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận