ông Lê Đình Quảng - phó trưởng Ban quan hệ lao động Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - nêu đề xuất thêm 3 ngày nghỉ/năm - Ảnh: Đ.BÌNH
Đề xuất này được đưa ra trong buổi trao đổi với báo chí vào chiều 17-9, bên lề sự kiện ký kết chương trình phối hợp giữa Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - thương binh và xã hội cùng Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam.
Ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết giờ làm thêm của Việt Nam hiện tối đa 300 giờ mỗi năm "cũng là khá cao". Tuy nhiên, "với tinh thần chia sẻ cùng doanh nghiệp", Tổng liên đoàn Lao động đồng ý tăng giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm.
Lý do thực tế vì cơ quan này cũng biết vẫn có những doanh nghiệp nước ngoài ngay tại Hà Nội cũng quy định làm đến 600 giờ/năm và còn "ràng buộc" người lao động phải đạt được số giờ làm thêm như vậy thì mới được tính thưởng.
"Khi Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý tăng giờ làm thêm thì cũng đề xuất giới sử dụng lao động cũng phải phải giảm giờ làm/tuần từ 48 giờ xuống 44 giờ và lương làm thêm phải lũy tiến" - ông Hiểu nêu quan điểm.
Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Ngọ Duy Hiểu và ông Lê Đình Quảng - phó trưởng Ban quan hệ lao động (đứng) - trao đổi với báo chí chiều 17-9 - Ảnh: Đ.BÌNH
Ông Lê Đình Quảng, phó trưởng Ban quan hệ lao động Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cũng cho biết Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã thống nhất sẽ kiến nghị đề xuất phải tăng ngày nghỉ trong năm thêm 3 ngày, nâng tổng số ngày nghỉ của Việt Nam lên 13 ngày.
Theo ông Quảng, 3 ngày nghỉ tăng thêm sẽ vào dịp tết dương lịch, Ngày gia đình Việt Nam và dịp Quốc khánh.
"Hiện Trung Quốc nghỉ Quốc khánh cả tuần, nên Tổng liên đoàn cũng thấy cần thêm ngày nghỉ vào dịp này để người lao động có thêm ngày nghỉ. Tiếp đó, dịp từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm cũng không có ngày nghỉ nên đề xuất nghỉ Ngày gia đình Việt Nam 28-6. Ngày nghỉ tăng thêm thứ 3 là vào dịp tết Dương lịch" - ông Quảng giải thích.
Về đề xuất giảm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, ông Hiểu cho biết theo ILO, Việt Nam là nước có số giờ làm việc thực tế (48 giờ/tuần) rất cao, đứng thứ 3 thế giới về số giờ làm trong tuần cao.
Giờ làm trong tuần cao nhưng số ngày nghỉ phép chỉ 12 ngày/năm lại thấp. Ngay bên cạnh, Trung Quốc đã áp dụng làm việc 40 giờ/năm và số ngày nghỉ của họ lên 21 ngày.
Các nước xung quanh Việt Nam cũng có số giờ làm việc/tuần thấp nhưng ngày nghỉ phép cũng như ngày nghỉ cao. Vậy nhưng sức cạnh tranh của họ vẫn rất cao, năng suất lao động cũng rất cao.
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ILO đã có công ước quy định tuần làm việc 40 giờ/tuần, Hiến pháp Việt Nam cũng quy định người lao động phải được làm việc công bằng.
Tổng bí thư, Thủ tướng Chính phủ gần đây cũng nhắc "công đoàn phải đề xuất các giải pháp để khắc phục những bức xúc về cường độ lao động", "phải tôn trọng các quyền cơ bản của người lao động, mức lương đủ sống, hạn chế số giờ làm việc tối đa", theo ông Hiểu.
Chính vì thế, lần này Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phải lên tiếng để bảo vệ người lao động để có giờ làm việc công bằng.
"Người lao động không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động thì nguồn nhân lực sẽ bị cạn kiệt, chắc gì đã làm việc được đến tuổi nghỉ hưu, và khi đó gánh nặng xã hội sẽ rất lớn.
Giới chủ hãy đừng chỉ trút gánh nặng về năng suất lao động lên vai người lao động, mà bản thân giới chủ phải đầu tư nhiều hơn vào đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp để hướng tới phát triển bền vững”, ông Hiểu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận