Công trình hiện là trụ sở Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Sở Quy hoạch - kiến trúc TP cho biết để sớm có đề xuất phương án quản lý quy hoạch kiến trúc công trình nói trên, vừa qua sở đã tổ chức hội thảo để tổng hợp thêm thông tin đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học.
Tuy nhiên, các nghiên cứu, ý kiến từ hội thảo cũng chỉ dừng ở mức độ bảo tồn, tập trung các nhận định về giá trị lịch sử văn hóa, giá trị nghệ thuật kiến trúc công trình, chưa đưa ra được các đề xuất về giải pháp kỹ thuật và mức độ bảo tồn đối với công trình.
Sở Quy hoạch - kiến trúc TP đánh giá đây là một hạn chế do TP hiện chưa có chuyên gia kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Qua tham khảo tư liệu, một số nước trên thế giới đã thành công trong việc đưa ra giải pháp kỹ thuật để có thể bảo tồn kiến trúc đô thị hiệu quả theo từng mức độ. Chẳng hạn có thể giữ chủ yếu mặt tiền, cho phép làm mới khu vực còn lại hoặc bảo tồn tôn tạo tòa nhà xây dựng bên trên công trình mới.
Do đó, để có được giải pháp bảo tồn tối ưu nhất, Sở Quy hoạch - kiến trúc kiến nghị UBND TP xem xét chấp thuận mời chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn để có nghiên cứu và góp ý thêm.
Kinh nghiệm của các chuyên gia sẽ giúp TP hoàn chỉnh phương án quản lý quy hoạch kiến trúc công trình có giá trị văn hóa, lịch sử nói trên.
Tòa nhà hiện là trụ sở Sở Công thương TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Công trình số 59-61 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1 đã có gần năm 130 tuổi, từng là dinh Thượng Thơ. Hiện tại, đây là trụ sở của Sở Thông tin - truyền thông và Sở Công thương TP.HCM.
Đến thời điểm này, công trình chưa được đánh giá xếp hạng di tích và không thuộc danh sách các đối tượng nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị TP.
Hiện công trình đang thuộc nhóm đối tượng đang được thực hiện quy trình tổng hợp đánh giá phân loại, đề xuất giải pháp quản lý bảo tồn theo chỉ đạo của UBND TP.
Sở Quy hoạch - kiến trúc cho rằng đây là công việc có khối lượng lớn quy mô cấp TP, phải thực hiện nhiều bước lấy ý kiến phản biện để đảm bảo tính khách quan và tuân thủ quy định hiện hành nên cần thêm thời gian.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận