Theo Sở Giao thông vận tải, tuyến TP.HCM - Dầu Giây dài hơn 55km đã khai thác từ năm 2016 với quy mô 4 làn xe. Hiện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã xây dựng phương án mở rộng cao tốc này đoạn từ sau nút giao An Phú tới nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Trong đó, VEC kiến nghị giao UBND TP.HCM đầu tư mở rộng đoạn đường dẫn cao tốc từ nút giao An Phú tới đường vành đai 2; lý do đoạn đường này là đường trong đô thị, đang thuộc thẩm quyền quản lý của TP.
Theo Sở Giao thông vận tải, đoạn đường dẫn cao tốc từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2 dài hơn 3,7km. Để đồng bộ với nút giao An Phú (khởi công từ cuối năm 2022) cùng với dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường dẫn cần mở rộng lên 8 làn xe, bề rộng nền đường 36m.
Về phương thức đầu tư, đường dẫn cao tốc đang thuộc thẩm quyền quản lý của TP, đồng thời Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản thống nhất theo đề xuất của VEC kiến nghị giao UBND TP thực hiện.
Vì vậy, theo Sở Giao thông vận tải, việc sử dụng ngân sách TP để triển khai dự án mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là phù hợp. Về thuận lợi, hiện đoạn đường dẫn TP.HCM đã giải phóng mặt bằng theo hành lang rộng 116m (bao gồm cả tuyến đường sắt nhẹ).
Về tiến độ dự kiến, theo Sở Giao thông vận tải, năm 2023 sẽ lập và phê duyệt chủ trương đầu tư; thi công từ quý 2-2025; hoàn thành công trình năm 2027. Tổng vốn đầu tư dự án mở rộng đường dẫn cao tốc khoảng 1.123,9 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận