Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và ông Lê Đức Vinh- chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - đi thị sát vịnh Vân Phong bằng tàu - Ảnh: Trung Tân |
Tại cuộc làm việc sáng 11-3, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết Chính phủ đã giao các tỉnh Kiên Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các đề án hành chính - kinh tế đặc biệt đối với từng địa phương.
Tới đây, Bộ Chính trị sẽ có chủ trương và Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện các báo cáo trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
“Về xây dựng Luật đơn vị hành chính đặc biệt, đã có kế hoạch báo cáo Quốc hội đưa thành luật. Cần tiếp tục xem xét xây dựng một luật chung cho cả ba khu kinh tế đặc biệt hay làm riêng từng luật?” - Phó thủ tướng gợi mở.
Đề xuất một luật chung
Ông Hoàng Đình Phi - trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) - cho biết khu vực Vân Phong được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi: kín gió, nước sâu, nhiều bờ biển đẹp, gần đường hàng hải quốc tế… rất thuận lợi để xây dựng và phát triển thành khu kinh tế tổng hợp.
Về xây dựng chính quyền đặc khu, ông Phi cho rằng nên thành lập chính quyền cảng biển để giao quyền tự chủ và quyết định phí, các cơ chế thu hút chuyên gia nước ngoài đến cư trú, làm việc.
Theo ông Phi, nên thống nhất mô hình chung cho cả ba đặc khu kinh tế (Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc), trong đó có những chương riêng cho mỗi nơi, theo như đề nghị của Bộ Kế hoạch và đầu tư. Xây dựng mô hình chính quyền đặc thù một cấp, có UBND, HĐND, có bí thư, chủ tịch đặc khu.
“Chúng tôi đề xuất dựa vào Luật tổ chức chính quyền địa phương, thành lập chính quyền đặc khu trực thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa để tinh giản nhân sự, tiết kiệm ngân sách” - ông Phi nói.
Ông Lê Đức Vinh - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất đề xuất của Bộ Kế hoạch và đầu tư là xây dựng luật chung cho cả ba đặc khu nhưng xin có những chương riêng cho từng đặc khu.
Ông Lê Xuân Thân - trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, phó chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa - cũng cho rằng đơn vị hành chính đặc khu là đơn vị đặc biệt, nên cho kinh tế mở thì mới có sự đột phá. Nếu xây dựng một luật chung cho ba đặc khu, có những quy định riêng.
Về chính quyền địa phương thống nhất một cấp có HĐND và UBND, có đại diện cho các khu vực, nên gọi các tiểu khu, không phải là cấp chính quyền. Về việc đặc khu kinh tế trực thuộc tỉnh là chưa phù hợp vì Điều 110 Hiến pháp quy định “đơn vị hành chính do Chính phủ thành lập”.
Vậy, đặc khu trưởng có những “quyền” còn rộng hơn cả chủ tịch UBND tỉnh, nên đặt đặc khu thuộc trung ương để việc đề xuất cơ chế chính sách, thu hút đầu tư linh động, hiệu quả hơn. Bởi, nếu đặc khu thuộc tỉnh mà các cơ chế chính sách phải đề xuất tỉnh, rồi tỉnh đưa lên trên rất mất thời gian.
Về cơ chế, chính sách, đặc khu cần có quy định đặc biệt về đất đai, hành chính để dễ thu hút đầu tư hơn.
Về việc này, ông Lê Tiến Châu - thứ trưởng Bộ Tư pháp - cho rằng việc thành lập một luật cho ba đặc khu nghe có vẻ tiết kiệm nhưng thực tế khi áp dụng rất phức tạp. Bởi khi một đặc khu cần sửa đổi vấn đề gì đó phải đưa ra Quốc hội rà soát, bàn chung và gây xáo trộn cho các đặc khu khác.
Xác định lợi thế cho Vân Phong
Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng hoan nghênh tỉnh Khánh Hòa xây dựng khu kinh tế Vân Phong thành đặc khu kinh tế.
Theo ông Bình, tỉnh cần tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh đề án này và dù có phát triển thành đặc khu hay không thì cũng phải phát triển hạ tầng Vân Phong. Kêu gọi các nhà đầu tư nhưng phải cân nhắc dành quỹ đất để phát triển đặc khu (nếu sau đó trung ương quyết) và đảm bảo môi trường.
Cần đánh giá thêm về lợi thế đặc khu kinh tế Vân Phong với hai đặc khu khác (Vân Đồn và Phú Quốc) trong nước và các đặc khu kinh tế trên thế giới. Đồng thời, nhận diện thế mạnh đặc khu là đặc thù riêng của Vân Phong. Qua đó chúng ta lựa chọn ngành nghề thu hút đầu tư cho tốt.
Báo cáo lại trong tháng 3-2017 Về chính quyền đặc khu, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Khánh Hòa, Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Tư pháp nghiên cứu thêm vì hiến pháp nói đặc khu kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập, tức không thuộc tỉnh, huyện, xã nào cả. Vậy cần làm rõ mô hình, tổ chức hành chính nhà nước, tư pháp, chính quyền đặc khu… có hệ thống chính trị như thế nào. Các ngành khác như quân đội, công an, viện kiểm sát sẽ như thế nào, tương đương cấp tỉnh hay sao. Đặc biệt cơ quan tòa án thì có tòa trọng tài không vì trong đặc khu các tranh chấp kinh tế là rất lớn. Phó thủ tướng giao các bộ ngành trung ương, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục nghiên cứu và báo cáo trong tháng 3-2017. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận