Học sinh tiểu học TP.HCM trong ngày khai giảng năm học mới 2017-2018 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo ông Đại, từ thời bao cấp tới nay, học sinh bậc tiểu học được miễn học phí. Nhưng điều này chỉ áp dụng đối với học sinh trường công lập, còn học sinh tiểu học học trường ngoài công lập thì vẫn phải đóng học phí bình thường.
Đứng ở góc độ học sinh, điều này bất hợp lý, không công bằng giữa các học sinh trong lứa tuổi tiểu học. Trong khi, nhiều học sinh phải học trường ngoài công lập do địa bàn cư trú không có trường công lập, hoặc cần "chia tải" do dân số tăng nhanh, trường công lập không thể gánh hết trách nhiệm. Hiện nay ngành GD-ĐT thực hiện chủ trương xã hội hóa nhằm đạt tỉ lệ 15% học sinh tiểu học, 15% học sinh THCS và 60% học sinh THPT học ngoài công lập.
Ông Đại đề nghị học sinh trường công hay trường tư đều nên được áp dụng quy định miễn học phí như nhau. Trong đó, trường chất lượng cao có thể thu thêm tiền.
Theo ông Đại, nếu không điều chỉnh quy định thì sẽ khó giảm áp lực về sĩ số đối với các trường công lập ở các đô thị lớn.
Nâng chuẩn giáo viên
"Hiện nay cả nước đã có 87,99% giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên. Chỉ còn 12,1% giáo viên trình độ trung cấp", đây là thông tin do ông Nguyễn Đức Hữu - phó vụ trưởng Vụ GD tiểu học, Bộ GD-ĐT - cung cấp tại hội thảo.
Cũng từ thực tế này và căn cứ vào yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông mà nhiều ý kiến tại hội thảo đề nghị nâng chuẩn trình độ tối thiểu đối với giáo viên tiểu học lên cao đẳng.
Các ý kiến cho rằng hiện có nhiều trường tiểu học có 100% giáo viên có trình độ cao đẳng trở lên, trong đó có khoảng 60-70% giáo viên có trình độ đại học. Cụ thể như Quảng Ninh có 96% giáo viên có trình độ cao đẳng trở lên. Tỉ lệ này ở Thanh Hóa là 79,3%. Số giáo viên tiểu học có trình độ trung cấp chỉ tập trung vào một số giáo viên cao tuổi, giáo viên ở các vùng sâu vùng xa...
Tranh luận gay gắt về hội đồng trường
Tỉ lệ thành viên ngoài trường tham gia hội đồng trường đã trở thành vấn đề "nóng", tạo nên cuộc tranh luận mạnh mẽ từ đại diện các trường đại học.
Đại diện Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, Trường ĐH Hàng hải Việt Nam… đều kiến nghị kéo tỉ lệ thành viên ngoài trường xuống mức tối thiểu 20% so với mức 30% đặt ra trong dự thảo. Lý do được các đại biểu đưa ra là sự am hiểu, đóng góp của người ngoài trường không rõ.
Ông Nguyễn Văn Nội, hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên, cho rằng phải là những thành viên trong trường mới có thể nắm vững và theo sát được các thông tin, hoạt động trong trường, thuận lợi cho việc hoạch định chiến lược phát triển của nhà trường. Với lý do như vậy, "tỉ lệ 30% thành viên ngoài trường như dự thảo là quá nhiều".
Ông Nội cũng nhấn mạnh hoạt động của hội đồng trường phải mang tính chiến lược, chứ không nên quy định như dự thảo là nơi thông qua chủ trương mua sắm thiết bị, tài sản của trường hàng năm.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Thi, hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu và điện ảnh Hà Nội, cho rằng hội đồng trường phải có chức năng định hướng chiến lược phát triển, chứ không thể chỉ chăm chăm quyết cái gì, mua sắm cái gì, "không thể can thiệp quá sâu vào việc hành chính, hậu cần, tương cà, mắm muối thì không đúng vai trò".
Ông Nguyễn Khắc Khiêm, phó hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải VN, khẳng định dù Trường ĐH Hàng hải VN là một trong số ít các trường ĐH đầu tiên của VN có hội đồng trường (từ năm 2007), nhưng "cho đến thời điểm hiện tại, vai trò của hội đồng trường vẫn chưa rõ ràng". Bởi lẽ, trong mọi quyết sách quan trọng của trường, tiếng nói quyết định vẫn thuộc về hiệu trưởng hoặc bí thư Đảng ủy.
CẦN NHIÊU Ý KIẾN TỪ THỰC TIỄN GIÁO DỤC
Tại hội thảo góp ý cho dự thảo Luật giáo dục, ông Nguyễn Hữu Độ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng để luật bám sát thực tiễn giáo dục và nhanh chóng đi vào cuộc sống thì cần nhiều hơn nữa các ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý đang trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ giáo dục ở cơ sở, đặc biệt là các ý kiến phản biện. Vì hiện tài còn ít ý kiến góp ý quá, trong đó đa số ý kiến ủng hộ dự thảo.
"Thiếu sinh viên trong hội đồng trường, khó vượt qua kiểm định quốc tế"
Trước nhiều ý kiến còn tranh cãi về sự xuất hiện của sinh viên trong hội đồng trường, bà Lê Minh Thắng - chủ tịch hội đồng trường ĐH Bách khoa Hà Nội - khẳng định nếu khuyết vị trí đại diện sinh viên trong hội đồng trường thì sẽ dẫn đến nhiều bất lợi, trong đó có việc rất khó để vượt qua được kiểm định quốc tế.
Bà Thắng dẫn chứng khi tổ chức kiểm định HCERES-1 sang Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tiến hành kiểm định đã hỏi rất kỹ về sự tham gia của sinh viên trong hội đồng trường. Không có sinh viên trong hội đồng trường sẽ khó đáp ứng chuẩn quốc tế, khó thể tăng hạng xếp hạng ĐH trong xếp hạng quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận