Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vừa trình UBND TP báo cáo thẩm định điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đoạn 3 đường vành đai 2. Dự án này có chiều dài 2,7km, bắt đầu từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - quốc lộ 1 (TP Thủ Đức).
Theo đó, dự án đoạn 3 vành đai 2 được đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện đến hết năm 2026. Nhà đầu tư cũng cam kết hoàn thành dự án này với thời gian nêu trên (bao gồm cả thời gian thực hiện công tác kiểm toán, quyết toán).
Đoạn 3 vành đai 2 theo quyết định trước đây có thời gian thực hiện từ năm 2016-2023. Công trình làm theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự phát triển của TP, từng bước khép kín đường vành đai 2. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.545 tỉ đồng, bao gồm cả xây lắp, mặt bằng.
Công trình khởi công vào năm 2017 nhưng tạm dừng từ giữa năm 2020 tới nay. Khi tạm ngưng, khối lượng thi công dự án đạt khoảng 44%.
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc này. Đầu tiên là vì giải phóng mặt bằng triển khai chậm. Thứ hai là dự án phải tiến hành rà soát các thủ tục. Cụ thể như điều chỉnh tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện; ký phụ lục hợp đồng BT, thực hiện quy trình thanh toán quỹ đất.
Cần phải nói thêm rằng, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi chỉ là một khâu để làm cơ sở triển khai bước tiếp theo trong hành trình gỡ vướng cho công trình trọng điểm này.
Sau khâu duyệt điều chỉnh, bước tiếp theo sẽ là đàm phán với nhà đầu tư để ký kết phụ lục hợp đồng BT. Một khâu nữa là xây dựng quy trình thanh toán BT, làm cơ sở thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư.
Dự án đoạn 3 vành đai 2 thực hiện theo hợp đồng BT là dự án có trước khi Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực. Vì vậy, nhà đầu tư triển khai dự án này sẽ được TP thanh toán bằng quỹ đất. Nghị quyết 98 quy định, đối với dự án thực hiện theo hợp đồng BT có trước Luật PPP mà chưa hoàn thành thanh toán thì TP được sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư.
Thanh toán quỹ đất là vấn đề quan trọng để nhà đầu tư có nguồn lực khởi động lại dự án. Bởi theo báo cáo của Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái (nhà đầu tư), 6 năm qua doanh nghiệp đã chi 1.474 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay) để thi công và ứng cho giải phóng mặt bằng.
Việc chưa được thanh toán quỹ đất theo hợp đồng BT đã gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, chi phí lãi vay hiện đang tăng rất cao. Cứ mỗi năm chậm trễ sẽ phát sinh 140 tỉ đồng. Theo nhà đầu tư, lãi vay phát sinh đến nay khoảng 840 tỉ đồng.
Các dự án khép kín vành đai 2 đang được triển khai ra sao?
Theo quy hoạch 568 năm 2013, vành đai 2 dài khoảng 64km với 6-10 làn xe. Tuyến đường đến nay đã đưa vào khai thác khoảng 50km. 14km còn lại chưa hoàn thành chia thành 4 đoạn. Đầu tiên là đoạn 3 đang thi công dang dở như đã nêu trên.
Còn đoạn 1 (đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Phạm Văn Đồng) và đoạn 2 (đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng) được đầu tư bằng vốn ngân sách. Dự án đã được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư. Hiện đang được lập báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến khởi công vào tháng 4-2025.
Còn vành đai 2 - đoạn 4 dài 5,3km, ước tính vốn đầu tư cần khoảng 16.417 tỉ đồng. Đoạn tuyến này bắt đầu từ quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh. Dự án hiện đang ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Đoạn này có tổng mức đầu tư lớn, vì vậy ngoài nghiên cứu đầu tư công thì TP cũng đang nghiên cứu phương thức đầu tư khác. Trong đó, có thể nghiên cứu làm dự án này theo hình thức BT trả chậm theo cơ chế nghị quyết 98.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận