Đây là những đề xuất đáng chú ý của liên danh tư vấn cục đường sắt (TEDI SOUTH - CCTDI) trình bày trong báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM.
Nhận định ga Sài Gòn là đầu mối giao thông quan trọng, trung chuyển khách đến và đi từ đường sắt sang các loại hình giao thông khác, TEDI SOUTH - CCTDI đề xuất xây dựng, mở rộng ga Sài Gòn lên 6,68ha (hiện chỉ rộng khoảng 6ha).
Đồng thời, xây quảng trường khoảng 2,3ha (tại quảng trường còn bố trí bến xe buýt, taxi, bãi để xe cá nhân…). Bên cạnh ga còn có một trung tâm thương mại.
Theo liên danh tư vấn, ga Sài Gòn sẽ được tổ chức chạy tàu khách xuyên tâm theo hướng ga Bình Triệu - Sài Gòn - Tân Kiên theo kiểu con lắc qua ga trung tâm. Tức chỉ để hành khách lên xuống và kết nối giao thông công cộng, còn các vấn đề khác như cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy toa xe sẽ đưa ra ngoại ô TP tại hai ga Bình Triệu và Tân Kiên.
Ngoài ga Sài Gòn, liên danh tư vấn cũng đề xuất quy hoạch lại ba ga khác tại TP.HCM. Trong đó, ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) có chức năng làm ga khách kỹ thuật cho các tuyến đường sắt đi phía Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Lộc Ninh. Tại ga có cơ sở sửa chữa, đầu máy, toa xe khách.
Ga Bình Triệu có thể tổ chức các đoàn tàu khách của đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đoàn tàu khách liên vận đi theo hướng Campuchia, tàu khách đường dài, hoặc có thể tổ chức các đoàn tàu khách nội - ngoại ô đi những đô thị vệ tinh theo hướng Vũng Tàu, Lộc Ninh và Tây Ninh…
Tổng diện tích quy hoạch ga Bình Triệu khoảng 41ha.
Ga Tân Kiên (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) là ga khách kỹ thuật và ga hàng hóa, đầu mối phía Nam TP.HCM. Tại ga này cũng có các cơ sở sửa chữa, chỉnh bị, vận dụng đầu máy, toa xe khách và hàng.
Ga Tân Kiên có thể tổ chức liên thông từ ga Cần Thơ để đi phía Bắc theo hướng qua ga Tân Kiên và qua trung tâm thành phố… Quy mô xây dựng ga dự kiến khoảng 67,2ha.
Ga Thủ Thiêm cũng được xác định là đầu mối của tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và đường sắt đô thị. Đồng thời là đầu mối giao thông, trung chuyển khách đến và đi từ đường sắt sang các loại hình giao thông khác.
Ga có khu vực quảng trường, cũng là nơi bố trí ga tuyến metro số 2 kéo dài, bến xe buýt, taxi, xe cá nhân.
Diện tích dự kiến khoảng 17,2ha (bao gồm diện tích ga đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, ga An Phú tuyến đường sắt đô thị số 2 - TP.HCM, quảng trường ga...).
Đường sắt tốc độ cao sẽ nối vào ga Hà Nội
Theo liên danh tư vấn, quy hoạch mạng lưới đường sắt (quy hoạch 1769) đã xác định ga Ngọc Hồi là ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Còn đoạn đường sắt quốc gia từ Ngọc Hồi tới ga Hà Nội hiện nay sẽ được chuyển đổi thành đường sắt đô thị.
Ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Ngọc Hồi cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 10km làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút hành khách đi tàu.
Do đó, liên danh tư vấn kiến nghị kết nối đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào tới ga Hà Nội thay vì tới Ngọc Hồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận