Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 là 1 trong 88 công trình quan trọng vừa được Sở Giao thông vận tải TP.HCM trình UBND TP ban hành kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2024-2030.
Đây cũng là một trong 5 dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT theo chính sách đặc thù tại nghị quyết 98, đã được UBND TP ban hành kế hoạch triển khai.
Dự án có điểm đầu tại cầu Bình Triệu, đến giáp ranh tỉnh Bình Dương với tổng chiều dài 5,9km. Về phương án thiết kế, dự án đang được nghiên cứu triển khai bằng phương thức đi trên cao, quy mô 4-6 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 13.851 tỉ đồng, ngân sách TP sẽ bố trí khoảng 70%, nhà đầu tư tham gia 30%.
Đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết với các cơ chế mới trong nghị quyết 98 và áp dụng cách làm mới, hiện TP đã và đang triển khai đồng loạt dự án cửa ngõ, vành đai, cao tốc, quốc lộ, cầu lớn...
Bên cạnh đó, sở cũng đang chủ trì xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo kết luận 49 của Bộ Chính trị, mục tiêu đến 2035 sẽ đầu tư xây dựng hoàn thành 6 tuyến với khoảng 183km. Với tốc độ triển khai như hiện nay, trong ít năm tới, hạ tầng giao thông TP sẽ có bộ mặt rất khác.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đã đề xuất đầu tư mở rộng loạt tuyến đường đô thị kết nối với trục giao thông chính, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.
Trong đó, để đồng bộ với tuyến đường trên cao thuộc dự án mở rộng quốc lộ 13, sở cũng đề xuất bố trí ngân sách trong năm 2024 để triển khai lập dự án, chuẩn bị đầu tư nâng cấp, mở rộng hai trục đường Đinh Bộ Lĩnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh qua quận Bình Thạnh.
Như vậy, khi có trục đường trên cao dọc quốc lộ 13, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, người dân có thể từ khu vực Bình Dương rất thuận tiện để đi vào đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) và ngược lại.
Còn trên đường Trường Chinh - Cộng Hòa (từ ngã tư An Sương đến sân bay Tân Sơn Nhất), sở cũng đã đề xuất làm thêm đường trên cao dài 11,2km.
"Nghiên cứu phương án làm đường trên cao bởi hầu hết quy hoạch các tuyến đường này có lộ giới nhỏ, trong khi nhu cầu đi lại ở cửa ngõ rất lớn. Phương án làm đường trên cao sẽ khả thi hơn so với mở rộng đường, hạn chế điều chỉnh quy hoạch, giảm đền bù mặt bằng, tiến độ thi công sẽ thuận lợi hơn", đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận