Bộ Nội vụ đã có thông tin mới nhất về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã (sáp nhập huyện, xã) giai đoạn 2023 - 2025.
10 tỉnh không thực hiện sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025
Theo đó, có 10 tỉnh không thực hiện sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, có 7 tỉnh không có huyện, xã thuộc diện sáp nhập nên không xây dựng phương án tổng thể.
3 tỉnh có huyện, xã thuộc diện sáp nhập nhưng đề nghị không xây dựng đề án sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023-2025 do có yếu tố đặc thù.
Tổng hợp từ phương án tổng thể của 53 tỉnh, thành thực hiện sáp nhập huyện, xã, Bộ Nội vụ cho biết giai đoạn 2023-2025 có 49 đơn vị hành chính cấp huyện được sáp nhập.
Trong số này có 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 18 đơn vị khuyến khích và 22 đơn vị liền kề. Sau sáp nhập, dự kiến giảm 13 huyện.
Số đơn vị thuộc diện phải sáp nhập nhưng địa phương đề nghị không thực hiện do có yếu tố đặc thù là 21 đơn vị.
Trong đó thực hiện sáp nhập 40 đơn vị đô thị cấp huyện (12 thành phố, 3 quận, 4 thị xã, 21 huyện) để hình thành 19 đơn vị đô thị cấp huyện (12 thành phố, 3 quận, 4 thị xã).
Với cấp xã, tổng số đơn vị hành chính thực hiện sáp nhập là 1.247, gồm 745 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 111 đơn vị khuyến khích và 391 đơn vị liền kề. Sau sáp nhập dự kiến giảm 624 xã.
Số đơn vị thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 508 đơn vị. Trong đó thực hiện sắp xếp 297 phường và 67 thị trấn để hình thành 261 đơn vị đô thị cấp xã (198 phường và 63 thị trấn).
Cũng theo Bộ Nội vụ, tính đến tháng 5-2024, đã có 11 tỉnh, thành gồm Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Phú Yên, Tiền Giang, Hải Dương, Yên Bái, Cà Mau đã gửi đến Bộ Nội vụ hồ sơ đề án sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025.
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ và các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã tổ chức các đoàn công tác liên ngành trung ương tiến hành khảo sát thực tế ở địa phương.
Từ đó để có đủ căn cứ thẩm định, hoàn thiện hồ sơ đề án của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo đó, đến nay Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức hội nghị thẩm định hồ sơ đề án của 9 tỉnh, thành phố, gồm Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Phú Yên, Tiền Giang, Hải Dương.
Số lượng huyện, xã đề xuất không sáp nhập do có yếu tố đặc thù khá lớn
Đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện sáp nhập, Bộ Nội vụ cho hay số lượng đơn vị huyện, xã mà địa phương đề xuất không sáp nhập do có yếu tố đặc thù khá lớn.
Cụ thể 21/30 cấp huyện, chiếm tỉ lệ 70% và 508/1.253 cấp xã, chiếm tỉ lệ 40,54%.
Trong khi đó, việc xác định các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, an ninh, quốc phòng cũng rất phức tạp do phải rà soát, thu thập các tư liệu lịch sử, khoa học và cơ sở pháp lý để chứng minh.
Về tiến độ thực hiện, việc sáp nhập huyện, xã trong giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10-2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý 1-2025.
Trong khi đó, do việc sắp xếp đơn vị hành chính là nội dung quan trọng, phức tạp, mức độ tác động, ảnh hưởng lớn, quy trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ, qua nhiều giai đoạn nên các địa phương gặp khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ thời gian theo yêu cầu.
Bên cạnh đó, khó khăn về sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, người lao động dôi dư do sáp nhập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận