Trốn đóng bảo hiểm xã hội 10.000 tỉ đồng/năm
Ngày 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Liên quan đến tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, tờ trình của Chính phủ nêu rõ thời gian qua cơ quan bảo hiểm xã hội và các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng, thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này và cũng đã có những chuyển biến tích cực nhất định.
Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận một thực trạng là tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, bình quân trên 10.000 tỉ đồng/năm.
Đặc biệt vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng diễn ra thời gian dài dẫn đến tình trạng khó có khả năng thu hồi, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ của người lao động.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc chưa xác định, quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia bắt buộc, các giải pháp, biện pháp xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Từ thực tế này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng này.
Như quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế). Quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng từ 6 tháng trở lên.
Quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng từ 12 tháng trở lên. Cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng theo quy định.
Dự thảo luật cũng bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Doanh nghiệp mong xử lý bằng biện pháp kinh tế, tài chính
Góp ý cho dự thảo luật dưới góc nhìn của các doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công - chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho hay trừ Singapore và Trung Quốc có mức đóng bảo hiểm xã hội cao hơn Việt Nam, những nước trong khu vực có mức đóng thấp hơn Việt Nam rất nhiều, ví dụ Indonesia 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%.
“Tỉ lệ đóng của Việt Nam là 17% với doanh nghiệp, nếu cộng tất cả các loại cả phần đóng góp của người lao động, cả bảo hiểm y tế lên tới 32%. Cao như vậy sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi, việc làm ít đi, thu nhập bị ảnh hưởng, ảnh hưởng nuôi dưỡng nguồn thu phát triển trong xã hội”, ông Công nói.
Chủ tịch VCCI cũng nêu kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp xem xét giảm mức đóng xuống khoảng 20%, trong đó doanh nghiệp đóng 15%, người lao động đóng 5%.
“Việc này rất khó, nhưng đề nghị cân nhắc có chủ trương giảm dần từng chút một để tạo sự cân bằng với các nước trong khu vực”, ông Công nêu.
Về nội dung trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, ông Công nhấn mạnh hoàn toàn ủng hộ phải kiên quyết đấu tranh với những người vi phạm. Nhưng chậm đóng do các lý do cũng là thực tế phải cân nhắc, trong khi dự thảo luật lại loại trừ “chậm đóng bảo hiểm xã hội”, chỉ còn đóng hoặc trốn đóng.
“Đề nghị cân nhắc quy định này vì các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam sẽ rất lo ngại vi phạm quy định khi chậm đóng bảo hiểm xã hội vì các lý do như thiên tai, dịch bệnh”, ông Công nêu.
Cũng theo ông, các doanh nghiệp không đồng tình với chế tài xử lý vi phạm trốn đóng bắt buộc là ngừng sử dụng hóa đơn hoặc hoãn xuất cảnh, lý do sẽ cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Quan điểm của doanh nghiệp mong muốn xử lý bằng các biện pháp kinh tế, tài chính.
Ông Công nêu ví dụ một doanh nghiệp bị hỏa hoạn chậm nộp sẽ bị xem thành trốn đóng, bị dừng hóa đơn thì không kinh doanh được nữa, coi như mất cơ hội phục hồi.
“Quy định của chúng ta nhằm ngăn chặn các hành vi trốn đóng, tăng thêm nguồn thu, nhưng như vậy sẽ thành tự lấy đá ghè chân. Nên chuyển sang chế tài tài chính, có mức phạt tăng dần”, ông kiến nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận