07/01/2010 08:03 GMT+7

Đề xuất hạn chế cấp phép xây dựng dọc các trục đường lớn: Vi phạm quyền lợi của dân

KHÁNH YÊN
KHÁNH YÊN

TT - Trước đề xuất tạm hạn chế cấp phép xây dựng dọc các trục đường lớn của Sở Quy hoạch - kiến trúc (QH-KT) TP.HCM, nhiều người dân không đồng tình, các quận huyện băn khoăn. Đại diện Sở Tư pháp cho rằng đề nghị đó là vi phạm quyền lợi của người dân.

VaKTk9wn.jpgPhóng to
Sở QH-KT lo ngại những cụm công trình cần bảo tồn (như dãy nhà cổ trong ảnh, trên đại lộ Đông - Tây, đoạn qua P.1, Q.5) bị phá dỡ nếu cho xây dựng tự do. Nhưng hạn chế thì không đúng luật - Ảnh: NGỌC HÀ

Sở QH-KT TP.HCM đã đề xuất UBND các quận huyện liên quan tạm hạn chế xây dựng trong phạm vi 50-150m tính từ lộ giới của ba trục đường: đại lộ Đông - Tây, Tân Sơn Nhất - Bình Lợi và xa lộ Hà Nội.

Đẩy khó cho dân

Nhà anh Nguyễn Thái Hùng, số 24/26 Nguyễn Văn Cừ, P.Cầu Kho, Q.1 cách đại lộ Đông - Tây khoảng 20 căn nhà. Với diện tích khoảng 30m2 tầng trệt và một lầu, căn nhà phải cõng đến sáu người với ba thế hệ cư trú thường xuyên. Chưa kể mỗi năm định kỳ tiếp đón nhiều người thân ở quê lên đi thi đại học, thăm gia đình... Anh Hùng dự định kiếm thêm tiền hợp khối với nhà hàng xóm xây thêm 1-2 tấm nữa cho tươm tất.

Tính ra nhà anh Hùng còn lớn, nhiều nhà quanh khu vực này chỉ rộng bằng nửa. “Nếu cho phép xây dựng đàng hoàng, họ có thể hợp khối với nhà xung quanh xây 1-2 tấm để đủ chỗ ở. Còn như cho xây dựng tạm hoặc sửa chữa theo nguyên trạng thì cũng không cải thiện được gì. Hạn chế xây dựng thì khó cho dân lắm” - anh Hùng nói.

Cũng như anh Hùng, ông Nguyễn Văn Nhiêu có nhà trong hẻm đường Nguyễn Biểu, P.1, Q.5 phản đối ý tưởng hạn chế xây dựng của Sở QH-KT. Ông bức xúc: “Chỉ cho xây hoặc sửa theo hiện trạng thì khác nào trong khu quy hoạch treo”.

Ông Nguyễn Văn Giàu - trưởng phòng thiết kế Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc Sở QH-KT - cho biết mục đích của đề xuất trên là để tránh tình trạng xây dựng lộn xộn, xây nhà siêu mỏng, nhà nhỏ... băm nát bộ mặt những tuyến đường quan trọng của TP. Nếu để xây dựng tự do e sẽ phá vỡ những khu vực cần được bảo tồn, sau này khó thực hiện thiết kế đô thị.

Lãnh đạo nhiều quận huyện có ba trục đường trên đi qua tỏ ra băn khoăn về đề nghị của Sở QH-KT. Ông Đoàn Nhật, phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh, cho hay tuyến đại lộ Đông - Tây chỉ ảnh hưởng đến một ít nhà dân ở khu vực giao nối với quốc lộ 1A. “Nếu dân xin phép xây dựng trong khu dân cư thì làm sao hạn chế được? Vận động mà dân không đồng ý thì rất khó thực hiện đề xuất của sở” - ông Nhật nói.

Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hoàng Song Hà cho biết quận đã nhận được công văn trên nhưng vẫn cấp phép xây dựng theo quy hoạch. Tuần tới, quận sẽ họp với Sở QH-KT để bàn kỹ hơn vấn đề này.

Không có cơ sở

Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng Sở QH-KT đề xuất như vậy là chưa tôn trọng quyền, lợi ích của người dân. Luật sư lập luận: người dân có quyền sử dụng đất, sở hữu nhà hợp pháp, họ sẽ có toàn quyền định đoạt. Những trường hợp hạn chế quyền của chủ sử dụng đất phải dựa vào những căn cứ pháp luật cụ thể.

Trong điều 10 của Luật xây dựng không cấm xây dựng trong khu vực đang lập quy hoạch hoặc đang nghiên cứu thiết kế đô thị. Vì vậy, đề xuất trên là không có căn cứ pháp luật.

Nhiều người băn khoăn: nếu dựa theo thời gian lập đồ án thiết kế đô thị mà cấm thì “không biết đâu là điểm dừng”. Những ý kiến này dẫn chứng thực tế là những đồ án quy hoạch do các cơ quan nhà nước thực hiện thường kéo dài rất lâu. Nếu đến vài ba năm mà đồ án thiết kế đô thị chưa hoàn thành thì người dân sẽ sống thế nào?

Luật sư Phạm Cao Thái ý kiến: người nào cũng muốn nhà mình xây được cao để bắt mắt, bán được giá. Nếu như nhà, đất không được xây dựng thì khác nào quy hoạch “treo”, coi như chờ Nhà nước bồi thường. Nếu là quy hoạch thì phải có quyết định công bố quy hoạch của cơ quan có thẩm quyền. Chứ ý định hoặc văn bản đang nghiên cứu, đang xây dựng thì không là căn cứ pháp lý để hạn chế quyền của người dân.

Bà Ung Thị Xuân Hương, phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, lưu ý đề nghị của Sở QH-KT là không có cơ sở và vi phạm quyền lợi của người dân. Nguyên tắc là người dân được làm những gì Nhà nước không cấm. Trong trường hợp này chỉ có thể vận động người dân vì lợi ích chung mà ngưng xây dựng trong một thời hạn nhất định.

Để tránh xây dựng tràn lan, Sở QH-KT có thể tham mưu cho UBND TP, cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị cấp II có quyết định về vấn đề này. Lúc đó, UBND các quận huyện mới có cơ sở để thực hiện. Nhưng việc hạn chế xây dựng nhất thiết phải có thời hạn nhất định, chắc chắn chứ không thể dài ngắn theo thời gian thực hiện đồ án thiết kế được.

KHÁNH YÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên