25/04/2017 17:43 GMT+7

Đề xuất giảm tốc độ tối đa trong đô thị xuống 50km/h

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Theo quy định hiện hành, ôtô, môtô được chạy tốc độ tối đa là 60km/h trong khu vực đông dân với đường đôi (có dải phân cách giữa); đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới.

Đề xuất giảm tốc độ ở đường đô thị, khu vực đông dân cư trở thành tâm điểm của cuộc họp báo- Ảnh: TUẤN PHÙNG
Đề xuất giảm tốc độ ở đường đô thị, khu vực đông dân cư trở thành tâm điểm của cuộc họp báo - Ảnh: TUẤN PHÙNG

​Tuy nhiên, ông Lokky Wai - trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam - đề xuất nên giảm tốc độ tối đa xuống 50km/h theo khuyến cáo của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Giảm tốc độ ở đô thị, nơi nguy hiểm

Lý giải đề xuất trên tại cuộc họp báo về kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 4 do Liên Hiệp Quốc phát động với chủ đề “tốc độ” do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức chiều 25-4, ông Lokky Wai cho biết khi lái xe với tốc độ cao, khó có thể dừng ngay và ảnh hưởng tác động quán tính mạnh hơn. Tốc độ cao thì khả năng gây ra vết thương nghiêm trọng, tổn thất tính mạng cao hơn. Chỉ cần giảm 5% tốc độ chạy xe trung bình, chúng ta có thể giảm 30% số vụ tai nạn chết người.

Theo ông Lokky Wai, ở những khu vực đông dân cư như Hà Nội, mật độ giao thông rất lớn nên cần giảm tốc độ. Nhiều thành phố lớn trên thế giới còn phải giảm xuống tốc độ 30km/h ở các khu vực gần trường học và khu đông dân cư. Còn trên đường cao tốc do đảm bảo điều kiện an toàn, mật độ xe không đông như ở đô thị thì quy định tốc độ thấp nhất là 60km/h. Vì vậy, việc giảm tốc độ tối đa tùy thuộc vào tình trạng giao thông từng khu vực, đây không phải là giải pháp áp dụng ở mọi địa bàn.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, cho biết vi phạm tốc độ là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Năm 2016 có 12,9% vụ tai nạn do vi phạm tốc độ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Riêng 3 tháng đầu năm 2017 đã xử lý 126.135 trường hợp vi phạm tốc độ trong số 991.950 trường hợp vi phạm bị xử lý.

Theo ông Dánh, năm 2015, Bộ Giao thông vận tải ban hành thông tư 91 nâng tốc độ tối đa thêm 10km/h với quan điểm đã bỏ tiền ra xây đường tốt thì tốc độ phải tăng lên. Nhưng có nghịch lý đường của Việt Nam chủ yếu là giao thông hỗn hợp, người tham gia giao thông còn chấp hành chưa tốt, nhất là ở khu vực đô thị; xây đường nhưng hàng rào chưa có, dân trèo qua đường đi ngang đi tắt gây nguy cơ tai nạn giao thông.

“Cho nên quan điểm của Cục Cảnh sát giao thông là đề nghị phải tính toán lại về điều kiện đảm bảo cho an toàn giao thông. Thông tư quy định như thế nhưng chúng tôi đã làm việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam thấy có những nơi lẽ ra phải cắm biển hạn chế tốc độ nhưng không làm nên người dân tùy tiện phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn giao thông. Quy định nâng tốc độ lên nhưng có những khu vực chưa phù hợp cần giảm xuống để đảm bảo an toàn giao thông" - ông Dánh cho biết.

Theo ông Dánh, việc khảo sát, đánh giá lại thực trạng để thống nhất xem xét lại, đề xuất tốc độ hợp lý ở những nơi có nguy cơ gây tai nạn giao thông qua những vụ việc cụ thể chứ không phải giảm tốc độ ở tất cả các tuyến đường. Nếu ở một vị trí 1 năm xảy ra 3 vụ tai nạn thì phải tính toán về tốc độ lưu thông.

Chưa tăng, giảm tốc độ theo thực trạng giao thông

Về ý kiến cho rằng giảm tốc độ tối đa làm tăng nguy cơ ùn tắc giao thông, ông Dánh cho rằng nhận định đó là chưa chính xác. Theo ông Dánh, nếu điều tiết hợp lý thì giảm tốc độ không làm ùn tắc giao thông. Ngược lại, có khi tăng tốc độ cũng làm tắc đường ở những nút cổ chai do lưu lượng dồn về nhanh.

“Vấn đề bỏ nhiều tiền làm đường mà không đẩy tốc độ lên cao được vì tổ chức giao thông còn nhiều vấn đề bất cập. Chính quyền các địa phương không kêu tốc độ cao ở đường cao tốc nhưng kêu ở thị trấn, thị tứ tốc độ lưu thông cao làm xảy ra nhiều tai nạn” - ông Dánh nói.

Liên quan đến ý kiến cần nâng tốc độ tối đa trong thời điểm đường vắng, ban đêm khi mật độ xe ít, ông Nguyễn Văn Thạch, vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải, cho biết hiện nay đang đánh giá toàn bộ các quy định về tốc độ ở từng khu vực. Trong đó, bộ giao Tổng cục Đường bộ xem xét giảm tốc khu vực điểm đen tai nạn. Bộ Giao thông vận tải chưa có chủ trương quy định tốc độ ban ngày, ban đêm khác nhau.

Theo ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thực tế ở các nước và Việt Nam, thời gian 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau là thời gian tỉ lệ vi phạm tốc độ nhiều nhất. Hầu hết các nước không có quy định nâng tốc độ chạy ban đêm.

Với tốc độ chạy xe trong đô thị, khu vực đông dân cư, ông Hùng cho biết hầu hết các quốc gia phát triển quy định 50km/h, có nước quy định 40km/h. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát thông tư 91, sửa đổi nếu thấy cần thiết theo hướng: chỗ nào cần biển báo, cần quy định tốc độ cụ thể, yêu cầu giảm tốc độ thì có biển cụ thể tốc độ tối đa là bao nhiêu để rõ ràng trong quá trình thực thi.

“Trong quá trình phát triển có những người muốn đi thật nhanh nhưng cũng có những người lo ngại về an toàn giao thông. Nhiều quốc gia phát triển đã quy định tốc độ trong đô thị là 50km/h, còn những khu nhiều người đi bộ, xe đạp, trẻ em quy định tốc độ là 30km/h” - ông Hùng cho biết.

Theo ông Nguyễn Hữu Dánh, hiện nay Cục Cảnh sát giao thông đang thực hiện đợt cao điểm kiểm tra xử lý vi phạm giao thông (từ 16-4 đến 15-5) nhằm đảm bảo an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Trong đó có tập trung kiểm tra xử lý vi phạm tốc độ và hưởng ứng tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 4 do Liên Hiệp Quốc phát động với chủ đề “tốc độ”.

Cụ thể, Cục Cảnh sát giao thông hiện thực hiện 3 cách phát hiện, xử lý vi phạm tốc độ trong đợt cao điểm gồm: trực tiếp xử lý người vi phạm; công khai kết hợp hóa trang mật phục kiểm soát vi phạm tốc độ; thông qua hệ thống camera giám sát xử lý vi phạm.

Bộ Công an cũng giao Cục Cảnh sát giao thông qua các vụ tai nạn giao thông cần điều tra, xác minh làm rõ vi phạm do chủ quan của người điều khiển xe hay là do yếu tố tổ chức giao thông tại khu vực đó để xem xét trách nhiệm, kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên