Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM trình UBND TP.HCM đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND TP.HCM thay thế các nghị quyết liên quan mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM (thu phí hạ tầng cảng biển).
Bổ sung thêm đối tượng nộp phí
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, năm 2023 số tiền thu được từ thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM là 2.036 tỉ đồng (đạt 101%).
Qua 6 tháng đầu năm 2024 thu được 1.010 tỉ đồng (đạt 48,1%).
Số tiền thu được bố trí thực hiện các công trình giao thông kết nối hạ tầng cảng biển gồm: dự án chuyển tiếp xây dựng nút giao An Phú, chuyển tiếp xây dựng nút giao Mỹ Thủy; mở rộng đường Đồng Văn Cống; đường vành đai 3; xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ... Ngoài ra, chuẩn bị đầu tư khép kín vành đai 2; nâng tĩnh không cầu Bình Triệu và cầu Bình Phước…
Việc xây dựng nghị quyết mới này nhằm thu phí hạ tầng cảng biển rõ ràng, hiệu quả thực thi cao.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất bổ sung đối tượng nộp phí, bổ sung loại hàng nộp phí và bổ sung thêm trường hợp miễn giảm thu phí và bổ sung tỉ lệ trích để lại phục vụ công tác thu phí.
Đặc biệt, sở này đề xuất xem xét giảm phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa vào, rời Tân Cảng - Phú Hữu và cảng container quốc tế SP-ITC.
Mức giảm cụ thể là: mức phí đối với hàng quá cảnh; hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, tái nhập được đưa vào và rời cảng Tân Cảng - Phú hữu và cảng container quốc tế SP-ITC bằng đường bộ giảm 3%.
Mức phí với hàng trung chuyển, chuyển khẩu; hàng gửi vào kho ngoại quan; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập thuộc loại hàng hóa quy định tại Luật Hải quan được đưa vào và rời cảng Tân Cảng - Phú Hữu và cảng container quốc tế SP-ITC bằng đường bộ giảm 26,5%.
Giảm phí để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp
Lý giải về đề xuất này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông tin trong báo cáo hiện dự án BOT xây dựng đường nối Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu (TP Thủ Đức) hoàn tất chuẩn bị đưa vào thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ.
Đây là đường độc đạo và vào 2 bến cảng là Tân Cảng - Phú Hữu và SP-ITC - cửa ngõ tiếp nhận và trung chuyển hàng hóa cho bến cảng Cái Mép, cảng nước sâu lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Hàng hóa vận chuyển từ các tỉnh phía Đông - Tây, phía Nam TP.HCM đã đóng giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại các trạm BOT Xa lộ Hà Nội, trạm thu phí Long Phước, BOT cầu Phú Mỹ.
Khi hàng hóa vào cảng Tân Cảng - Phú Hữu và cảng SP-ITC, dự kiến phương tiện đóng giá sử dụng dịch vụ đường bộ của dự án BOT đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu (BOT Phú Hữu).
Ngoài nộp giá sử dụng dịch vụ đường bộ ở các trạm trên, doanh nghiệp còn phải đóng phí hạ tầng cảng biển khi đưa hàng vào, rời các cảng nói trên với mức phí 250.000 đồng/container 20 feet và 500.000 đồng/container 40 feet.
"Điều này tạo gánh nặng lớn cho doanh nghiệp về chi phí, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19.
Do đó, cần xem xét giảm phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa vào, rời Tân Cảng - Phú Hữu và cảng container quốc tế SP-ITC bằng đường bộ tương ứng với mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm BOT Phú Hữu", Sở Giao thông vận tải TP.HCM nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận