Dự thảo mới nhất sửa đổi quyết định 24 của Thủ tướng quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, phương pháp lập giá bán điện bình quân, công thức tính giá bán lẻ điện bình quân được Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi với điểm mới, gắn với thực tế sản xuất kinh doanh điện.
Khoản lỗ sẽ hạch toán vào "chi phí khác"?
Trong công thức tính giá điện bán lẻ bình quân, theo dự thảo thông tư vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, sẽ có quy định về việc đưa các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện.
Theo đó, cho phép thu hồi khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện, chênh lệch tỉ giá trong thực hiện hợp đồng mua bán điện, các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện nhưng được xác định trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán…
Công thức tính giá bán lẻ điện bình quân năm bao gồm các khâu phát điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí điều hành - quản lý ngành và chi phí khác được phân bổ.
Các chi phí này chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện, cùng lợi nhuận định mức của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện.
Các khoản chênh lệch tỉ giá trong hợp đồng mua bán điện, lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện sẽ nằm trong "chi phí khác". EVN đề xuất phương án phân bổ các khoản chi phí này, báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Giải thích lý do đưa các khoản lỗ vào giá điện, Bộ Công Thương cho biết trước đó, khi đánh giá kết quả kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện thời điểm năm 2019, Thanh tra Chính phủ cho rằng công thức tính giá bán lẻ điện bình quân tại quyết định 24 chưa có yếu tố gắn với giá thành thực tế sản xuất kinh doanh điện, chưa tính đến các khoản giảm trừ khi tính giá bán điện.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đề nghị xem xét có cơ chế để EVN có khả năng xử lý được khoản lỗ do sản xuất kinh doanh điện qua các năm.
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của tình hình thế giới nên giá nhiên liệu đã tăng cao từ giữa quý 1-2022, làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Chi phí mua điện tăng trong khi giá bán lẻ điện được giữ ổn định, kết quả sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 lỗ hơn 26.000 tỉ đồng, ảnh hưởng cân đối tài chính của EVN.
Phải đánh giá kỹ lưỡng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Quốc Việt - phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - cho rằng việc xây dựng cơ sở pháp lý để xác định đầy đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ trong sản xuất, kinh doanh điện là cần thiết. Song việc bổ sung và hạch toán các khoản lỗ còn treo lại của EVN trong công thức tính cần được đánh giá kỹ lưỡng.
Đặc biệt cần làm rõ công thức tính giá điện mới, minh bạch và phân tách cụ thể chi phí của từng khâu tạo nên giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Theo ông Việt, khoản lỗ 26.000 tỉ đồng trong năm 2022 do tác động của giá than, giá khí và các chi phí đầu vào trong khâu sản xuất điện tăng cao là đúng, song cần làm rõ vai trò của EVN trong đánh giá, dự báo về xu hướng giá, hoạt động quản lý, đàm phán mua điện của các nhà cung cấp để góp phần giảm lỗ.
Bởi trong thực tế có công ty con trong ngành điện vẫn ghi nhận lãi, nhưng công ty mẹ lỗ. Như vậy mức lỗ được công bố có bao gồm các khoản chi phí không hợp lý, hợp lệ được phân bổ vào giá điện, gây áp lực lớn cho người dân khi giá điện tăng liên tục.
Trong khi đó, theo một chuyên gia năng lượng độc lập, cơ chế điều chỉnh giá điện được áp dụng từ năm 2017 đến nay, phương pháp điều chỉnh và công thức tính giá không có nhiều thay đổi, chủ yếu dựa trên chi phí và được điều tiết chặt chẽ bởi Chính phủ.
Giá bán lẻ điện trung bình tăng 53% từ tháng 1-2010 đến tháng 1-2015, trong khi lạm phát tích lũy trong cùng thời kỳ là khoảng 56%, nghĩa là việc tăng giá bán lẻ điện chỉ vừa đủ để bù đắp lạm phát.
Cũng theo vị này, đến năm 2022, mức giá hiện tại không cho phép EVN bù đắp chi phí vận hành, trả nợ và hấp dẫn đầu tư trong tương lai. Thực tế này xuất phát từ những bất cập trong việc quản lý điều hành giá điện và thị trường điện.
"Cơ chế định giá hiện tại là theo phương pháp cộng tới, với cách tính đơn giản, hiệu quả với hệ thống điện truyền thống nhưng chỉ đảm bảo cho EVN thu hồi đủ chi phí nếu được điều chỉnh giá kịp thời", vị chuyên gia năng lượng độc lập nói và cho rằng cơ chế định giá đang được áp dụng chỉ nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng kiểm soát chi phí, chứ không tạo ra động lực cho doanh nghiệp tối ưu chi phí, không thúc đẩy cạnh tranh để phản ánh giá trị thật của điện năng theo cung cầu.
"Do đó cần tăng tính minh bạch và giám sát thị trường trong việc đưa ra cơ chế xác định giá phù hợp với sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh trong thời gian tới", ông Anh đề xuất.
Bộ Công Thương phải rà soát các chi phí được tính vào giá điện
Theo Bộ Tài chính, việc thua lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện là do doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện không đủ bù đắp cho các chi phí phát sinh. Hay nói một cách khác là giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Do đó Bộ Công Thương phải có trách nhiệm rà soát các khoản chi phí được phép tính vào giá bán lẻ điện theo quy định nhưng chưa được tính là những khoản chi phí nào, làm cơ sở để xác định các chi phí khác trong công thức tính giá cho phù hợp với thực tế.
Bộ Tài chính cũng cho rằng EVN phải có trách nhiệm tính toán và xác định các khoản chi phí được phép tính nhưng chưa tính vào giá bán lẻ điện để báo cáo Bộ Công Thương xem xét, bổ sung vào giá điện cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Và để kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ các chi phí này, Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan có trách nhiệm phải kiểm tra chi phí giá thành của EVN hằng năm, trước khi phê duyệt các chi phí này.
Trong khi đó, qua rà soát quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, không có quy định nào về phương án phân bổ các khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh và chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện, cũng như thẩm quyền của Thủ tướng quyết định với nội dung này. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị bỏ nội dung trình Thủ tướng xem xét quyết định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận