Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ khắc phục sự bất thống nhất với Bộ luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…
Tờ trình sửa luật này cho biết giai đoạn 2015-2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng khoảng 6%/năm. Hết năm 2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 31,5% tổng lực lượng lao động.
Cụ thể, Luật Việc làm hiện hành quy định “cứng” mức đóng bảo hiểm cho người lao động là 1%, còn chủ sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người đóng bảo hiểm thất nghiệp. Việc này giúp người lao động có khoản tiền hỗ trợ tạm thời khi mất việc hoặc học nghề, tìm việc mới.
Nếu xảy ra thiên tai, khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp không linh hoạt trong khi quỹ kết dư lớn. Hết năm 2022, quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư trên 59.000 tỉ đồng.
Để khuyến khích người tham gia, ban soạn thảo đề xuất linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động đóng tối đa 1% tiền lương hằng tháng. Người sử dụng lao động đóng tối đa 1% quỹ tiền lương tháng của những người đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các nhóm người, ví dụ chưa quy định người có hợp đồng lao động đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, trong khi đây là nhóm có nguy cơ mất việc cao, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Luật cũng chưa áp dụng cho nhóm lao động làm việc theo giờ, quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước…
Cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung người tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm người có hợp đồng xác định từ 1 tháng trở lên, người làm việc bán thời gian song có lương trong tháng đó bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm bắt buộc thấp nhất/bằng một nửa lương tối thiểu vùng cao nhất…
"Đề xuất phù hợp"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết bảo hiểm thất nghiệp là quỹ ngắn hạn, do vậy các nước thường quy định từ 3-5 năm cần xem xét kết dư để thay đổi mức đóng, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Ngược lại, Việt Nam ít khi thay đổi mức đóng dẫn tới kết dư quá nhiều, nên việc điều chỉnh theo đề xuất của cơ quan soạn thảo là phù hợp.
Ông Huân nói thêm bản chất của bảo hiểm thất nghiệp là nhanh chóng đưa người lao động trở lại thị trường lao động, nên cơ quan chức năng cần nghiên cứu tận dụng tối đa nguồn lực từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.
Trước đó, khi góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), 13 hiệp hội doanh nghiệp đề xuất giảm tỉ lệ đóng của cả người lao động và doanh nghiệp xuống tổng 1% và có lộ trình giảm tiếp, thay vì mỗi bên 1% như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận