Nhiều chuyên gia đề xuất cần luật hoá việc điều chỉnh giá điện - Ảnh: EVN
Sáng 5-11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo "Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam".
Góp ý đề án, ông Tịnh cho rằng việc cải tiến biểu giá điện có ý nghĩa rất lớn, song cần phải có cải tiến mang tính đột phá hơn để có thay đổi chính sách tốt hơn. Đặc biệt, khi Việt Nam hiện đang tiệm cận theo nền kinh tế thị trường, nên các chính sách giá điện cần phải đảm bảo nguyên tắc thị trường.
Theo đó, nhấn mạnh đến chính sách hỗ trợ cho người nghèo, ông Tịnh cho rằng những gì chính sách Nhà nước hỗ trợ thì Nhà nước cần bỏ tiền ra, không để doanh nghiệp phải bỏ tiền làm méo mó thị trường.
Đồng thời, giá điện cần mang tính thị trường hơn vì với tốc độ phát triển 12%, nguy cơ thiếu điện đang cận kề khi Việt Nam đang phải mua điện ở nước ngoài Lào và Trung Quốc.
Trong khi đó, nhà đầu tư các dự án điện lớn đều tập trung vào các tập đoàn EVN, TKV, PVN nhưng không đủ vốn, dẫn tới quy hoạch điện VII bị phá vỡ.
"Trước đây ta đầu tư bằng mọi giá, giá điện thấp để khuyến khích sản xuất nên hậu quả đưa lại, như công nghệ lạc hậu tràn sang Việt Nam sử dụng điện quá lớn như thép, xi măng, cán thép, hủy hoại môi trường nên cần phải có chính sách nâng giá điện.
Luật điện lực chuẩn bị tiến tới bán lẻ cạnh tranh, nên cần phải đưa ra giá thành đảm bảo hài hoà giữa lợi ích người tiêu dùng, sản xuất và nhà phân phối có lợi ích cho nhà đầu tư. Còn đầu tư ngành điện hiện teo tóp là bán lỗ và dưới giá thành" - ông Tịnh nói.
Do đó, ông Tịnh đề nghị cần mạnh dạn điều chỉnh giá điện trong năm thành 4 lần, có thể tăng hoặc giảm theo diễn biến giá thành, gắn với 4 mùa với mùa nước, mùa khô.
Việc điều chỉnh như vậy, theo ông Tịnh, để giá điện "lên từ từ và giảm từ từ", không gây sốc cho kinh doanh, việc tăng giá và điều chỉnh tăng giảm phù hợp với thị trường.
Trong khi đó, một số ý kiến cũng khuyến nghị cần phải luật hóa quy định về việc điều chỉnh giá điện để tránh việc gây sốc cho người dân và nền kinh tế, chẳng hạn một năm điều chỉnh hai lần.
GS. Trần Đình Long - phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - cho rằng thị trường thay đổi hàng ngày thì cần phải điều chỉnh thường xuyên giá điện để theo chu kỳ biến thiên của thị trường.
"Trong luật Thủ tướng là người quyết định giá điện (ở mức trên 10% - PV) chứ không phải thị trường, nên ta phải dung hòa, không phải ngày nào cũng theo thị trường, nhưng có thể tính toán 1 năm 2 lần và thành luật để thực hiện" - ông Long nêu.
GS. Trần Văn Bình, Viện Kinh tế quản lý, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, cũng đồng tình nên điều chỉnh giá điện mỗi năm 2 lần, bởi ngành điện giá thành biến động rất nhiều, phụ thuộc vào thời tiết khi tỉ trọng thủy điện nhiều, giá thấp, còn khi hạn hán phải huy động nhiệt điện nhiều giá thành tăng.
Do đó nên điều chỉnh giá điện 6 tháng/lần có tăng giảm thay vì như vừa qua để 2 năm tăng gần 10% thì sẽ gây sốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận