2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù
Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết sửa đổi, bổ sung nghị quyết số 119 năm 2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Chính phủ giao bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền ký tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung việc xây dựng nghị quyết sửa đổi, bổ sung nghị quyết số 119 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.
Việc xây dựng nghị quyết sửa đổi, bổ sung nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển, góp phần xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó có 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 34 chính sách cụ thể. Nhóm 1 gồm chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng (8 chính sách).
Nhóm 2 gồm các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được đề xuất thực hiện thí điểm (26 chính sách).
Trong đó chính sách về quản lý đầu tư (4 chính sách); chính sách về tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, hải quan (5 chính sách); chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường (6 chính sách); chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược (1 chính sách); chính sách về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (8 chính sách); chính sách về tiền lương, thu nhập (2 chính sách).
Tổ chức mô hình chính quyền đô thị từ tháng 7-2026
Hiện nay Đà Nẵng đang thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Nghị quyết 37 đề xuất chính sách tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng kể từ ngày 1-7-2026.
Mục tiêu của chính sách là xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng tinh gọn, hiệu quả, linh hoạt, thông suốt trong quá trình vận hành, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố theo hướng năng động, sáng tạo trong thời kỳ mới.
Đồng thời nâng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị; huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy việc hình thành đô thị văn minh, hiện đại.
Theo đánh giá của lãnh đạo TP Đà Nẵng, tổ chức mô hình chính quyền đô thị giúp bộ máy tinh gọn hơn, góp phần hình thành phương thức hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn, chủ động trong điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề quan trọng, cấp bách ở địa phương.
Các cơ quan chuyên môn trực thuộc được sắp xếp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp giữa các cơ quan trung ương và chính quyền thành phố, qua đó nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền.
Tiết kiệm giảm chi ngân sách cho hoạt động của HĐND phường (khoảng 35,7 tỉ đồng/năm, tương ứng với 215 đại biểu HĐND quận và 1.275 đại biểu HĐND phường). Đồng thời, tinh giản 69 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường.
Về đội ngũ cán bộ, công chức: Mô hình vận hành theo hướng tập trung, thống nhất, phân định rõ hơn về thẩm quyền, trách nhiệm giải trình, bộ máy chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức; từ đó từng bước kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình thi hành công vụ thông qua các công cụ quản lý và cơ chế giám sát mới hiệu quả hơn được hình thành.
Thành lập Sở An toàn thực phẩm Đà Nẵng
Dự thảo cũng đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Đà Nẵng.
Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố sẽ giúp UBND thành phố triển khai thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm, tham gia giám sát, truy xuất nguồn gốc tại các chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ ngày càng được nâng cao, tăng chất lượng hàng hóa trên địa bàn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận