Hiệp định EVFTA đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao cho sản phẩm chế biến. Trong ảnh: chế biến cá tra xuất khẩu ở Hậu Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp đang tác động lớn tới doanh nghiệp, việc sớm phê chuẩn EVFTA cùng với các biện pháp hỗ trợ, sẽ sớm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp cận thị trường tốt hơn và phục hồi sản xuất.
Việc phê chuẩn đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên cơ sở Bộ Công thương xây dựng hồ sơ, đang trình lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Khi hoàn tất, Chủ tịch nước sẽ trình lên Quốc hội vào tháng 5.
Ông Thái cũng cho biết thêm Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện hiệp định. Theo quy trình thông thường, phải sau 45 ngày thông tư mới có hiệu lực, nên Bộ Công thương sẽ xin phép để khi hiệp định được thông qua và có hiệu lực thi hành, thông tư được ban hành cũng sẽ có hiệu lực ngay, giúp doanh nghiệp tận dụng ngay lợi ích.
Đại diện bộ cũng đề nghị các bộ ngành cần chủ động dự thảo văn bản hướng dẫn, đặc biệt như đối với biểu thuế ưu đãi áp dụng cho EU và quy tắc xuất xứ áp dụng với hàng EU vào Việt Nam; các cam kết mua sắm công; hay đấu thầu thuốc thực phẩm..., tránh trường hợp ban hành văn bản muộn sẽ gây khó khăn thực thi.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để được hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA, mỗi nhóm hàng hoá đều quy tắc, yêu cầu riêng. Do đó, việc ban hành sớm thông tư hướng dẫn, linh hoạt hơn về hiệu lực thi hành sẽ có lợi ích lớn hơn cho doanh nghiệp.
Tương tự với hàng EU nhập khẩu vào Việt Nam, với nhiều doanh nghiệp sẽ mang lại lợi ích cực kỳ lớn, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị, đầu vào cho sản xuất. Vì vậy, việc ban hành văn bản hướng dẫn liên quan, các biểu thuế ưu đãi khi nhập khẩu hàng hoá càng sớm, sẽ giúp doanh nghiệp có chuẩn bị đầy đủ các thủ tục, giấy tờ để hưởng ưu đãi.
Bà Trang cũng khuyến nghị để doanh nghiệp đáp ứng được ưu đãi, các bộ ngành liên quan cần tăng cường hơn hoạt động tuyên truyền phổ biến cho doanh nghiệp, trong đó có quy tắc xuất xứ. Có các hướng dẫn bằng văn bản như quyển sách cẩm nang để tận dụng tốt hơn.
"Trong những vấn đề quy tắc xuất xứ, văn bản đi sau thực tế, vì có muôn hình vạn trạng. Nên cơ quan quản lý có bộ phận phản ứng nhanh, để có vấn đề gì để giúp tháo gỡ cho doanh nghiệp, khắc phục vấn đề này" - bà Trang đề xuất.
Ông Thái cho hay hiện Bộ Công thương đã xây dựng kế hoạch hành động, với các nội dung trọng tâm như tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin và xúc tiến thương mại...
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý với doanh nghiệp cần chủ động hơn có trường hợp doanh nghiệp tự bỏ ra tiền làm báo cáo đánh giá thị trường, trực tiếp đi khảo sát thị trường nước ngoài một cách bài bản, nghiêm túc để tận dụng cơ hội...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận