Lượng tồn kho trong các doanh nghiệp là rất lớn trong khi vụ hè thu chuẩn bị thu hoạch, các doanh nghiệp đề nghị sớm mở cửa thị trường xuất khẩu gạo tự do trở lại - Ảnh: TRẦN MẠNH
Đồng thời các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính, Hải quan phối hợp với nhau sớm giải quyết lượng gạo nằm tại cảng đang gây tốn kém rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp.
Đại diện UBND tỉnh Long An cho biết tình hình thực tế về thu hoạch vụ đông xuân và xuống giống vụ hè thu cho thấy nguồn cung lúa gạo tại tỉnh này dồi dào, sản lượng dư cho tiêu dùng và xuất khẩu.
"Với tình hình như hiện tại đề nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường không cần phải cấp hạn ngạch như tháng nữa", đại diện Long An cho biết.
Một trong những ý kiến làm nóng hội nghị chính là việc hàng trăm ngàn tấn gạo vẫn nằm ở các cảng không thể xuất khẩu dù đã có nhiều chỉ đạo qua lại giữa các bộ Công thương, Tài chính cũng như ý kiến mới đây của Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị ông Phạm Văn Nam - giám đốc chi nhánh Công ty CP Lương thực Bình Định (Bidifood) - cho biết gần 10.000 tấn gạo công ty này đưa đến cảng Mỹ Thới trước ngày 24-3 vẫn chưa thể xuất khẩu vì tờ khai hải quan bỗng nhiên bị mất trên hệ thống.
Điều này, theo ông Nam, đồng nghĩa với việc các lô gạo này của Bidifood không được thông quan. Do hàng hóa bị "ngâm" từ ngày 23-3 tới nay, doanh nghiệp này đã bị thiệt hại nặng, với chi phí phải chi ra lên tới 200 triệu đồng/ngày.
Ông Nam cho hay ngày 22-4, hai con tàu chở gạo đã chính thức thông báo phạt chúng tôi gần 200.000 USD, chưa kể gần 10.000 tấn gạo trên sà lan đợi lên tàu.
"Công ty chúng tôi có nguy cơ sụp đổ. Đề nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính giải oan cho chúng tôi", ông Nam bức xúc cho biết.
Ngay lập tức ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công thương - đề nghị Tổng cục Hải quan hỗ trợ thông quan cho Bidifood và các trường hợp tương tự vì các doanh nghiệp ở trường hợp này đang chịu quá nhiều thiệt thòi.
"Đề nghị tính lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp này vào 100.000 tấn ứng thêm trong lượng xuất khẩu thêm tháng 4. Tôi xin chịu trách nhiệm cá nhân cho đề nghị này vì không để doanh nghiệp thiệt hại thêm nữa", ông Khánh phát biểu.
Kết thúc hội nghị, ông Trần Quốc Khánh thừa nhận việc điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua có gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp nhưng đây là tình huống ảnh hưởng bởi an ninh lương thực, dịch bệnh và xâm ngập mặn phức tạp.
Đến nay theo ý kiến của các tỉnh ĐBSCL khẳng định vụ đông xuân được mùa lớn, vụ đông xuân ở phía Bắc cũng bắt đầu thu hoạch, không có sâu bệnh như e ngại trước đó. Vì vậy, vấn đề an ninh lương thực hiện nay cần nhìn ở góc độ mới so với cách đây một tháng.
Trên cơ sở đó Bộ Công thương sẽ đề xuất điều chỉnh cơ chế điều hành xuất khẩu gạo tháng 5 và thời gian tới để báo cáo Chính phủ.
Trước mắt Bộ Công thương sẽ làm việc với hải quan để giải quyết xuất khẩu gạo nếp, giải quyết các lô hàng gạo tẻ đưa về cảng trước 24-3, rồi đến các trường hợp đã mở tờ khai mà bị thất lạc rồi đến lượng hàng tồn trong kho của doanh nghiệp.
"Nguyên tắc là doanh nghiệp nào đưa gạo đến cảng trước thì ưu tiên cho xuất trước. Giải quyết được lô nào thì giải quyết ngay để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp", ông Khánh cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận