Vải thiều sớm có giá khá cao và ổn định, dao động từ 22.000 - 35.000 đồng/kg - Ảnh: CHÍ TUỆ
Ngày 3-6, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Công Toản - phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang - cho biết để tạo điều kiện cho các thương nhân nước ngoài đến thúc đẩy tiêu thụ vải thiều xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang đã có văn bản đề nghị và Thủ tướng đã cho phép hơn 300 thương nhân Trung Quốc được phép nhập cảnh vào Việt Nam đến địa phương khảo sát, đàm phán, thu mua vải thiều.
"Sở Công thương tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn báo cáo, đề xuất UBND tỉnh và được lãnh đạo tỉnh đồng ý chủ trương miễn phí chi phí ăn, nghỉ trong thời gian cách ly 14 ngày của thương nhân Trung Quốc đến thu mua vải" - ông Toản nói.
Ông La Văn Nam - chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - cho biết huyện đã gửi đề xuất UBND tỉnh miễn chi phí ăn, ở trong thời cách ly 14 ngày cho các thương nhân Trung Quốc sang mua vải thiều.
Theo một lãnh đạo Sở Tài chính Bắc Giang, sở này cũng đề xuất hỗ trợ chi phí xét nghiệm, các phí liên quan đến công tác phòng chống dịch, hỗ trợ tiền ăn 120.000 đồng/ngày/người trong 14 ngày cách ly.
Ông Nam cho biết hiện có 15 thương nhân Trung Quốc ở miền Nam ra thu mua vải thiều. Mặc dù các thương nhân ở Trung Quốc chưa sang nhưng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã giao dịch ký hợp đồng với phía Trung Quốc nên việc tiêu thụ vải thiều vẫn diễn ra thuận lợi.
Hiện vải thiều sớm có giá khá cao và ổn định, giá bán vải hôm qua (2-6) dao động từ 22.000 - 35.000 đồng/kg, trong đó vải u hồng giá 22.000 - 28.000 đồng/kg, vải u trứng giá 25.000 - 35.000 đồng/kg.
Để chuẩn bị đón hơn 300 thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều, UBND huyện đã giao lực lượng công an huyện bố trí xe đưa đón thương nhân từ cửa khẩu về với sự hỗ trợ của nhân viên y tế, phiên dịch giúp thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch.
Ông Nam cho biết do đặc điểm vải thiều Lục Ngạn sẽ chín rộ từ vùng thấp dần lên vùng cao nên trước mắt, khi thương nhân Trung Quốc vào Lục Ngạn sẽ được bố trí cách ly ở tại 10 khách sạn, nhà nghỉ tại thị trấn Chũ và xã Phượng Sơn, sau đó sẽ sắp xếp dần sang các xã lân cận, xa nhất là một số nhà nghỉ ở xã Tân Sơn.
Tại mỗi cơ sở cách ly, huyện bố trí công an, nhân viên y tế trong suốt 14 ngày liên tục để đảm bảo phòng chống dịch.
"Hôm qua (2-6), phía Trung Quốc cũng đã đồng ý cho các thương nhân xuất cảnh sang Việt Nam. Từ hôm nay các thương nhân Trung Quốc sẽ bắt đầu làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam. Chúng tôi sẽ đón họ ngay từ khi qua cửa khẩu sang Việt Nam, sử dụng xe chuyên dụng có nhân viên y tế đón thương nhân Trung Quốc về cách ly tập trung 14 ngày ở tại các cơ sở lưu trú ở Lục Ngạn" - ông Nam nói.
Năm 2020 huyện Lục Ngạn duy trì khoảng 15.300ha vải thiều. Dự báo sản lượng đạt trên 85.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 18.000 - 20.000 tấn.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, huyện Lục Ngạn đã lên 3 phương án tiêu thụ vải thiều, trong đó đang thực hiện theo phương án 2 với kịch bản: dịch COVID-19 được kiểm soát nhưng chưa hết dịch.
Theo đó, sản lượng tiêu thụ vải thiều tươi ở trong nước khoảng 34.000 tấn, xuất khẩu 36.000 tấn và 15.000 tấn khác phục vụ chế biến nước ép, sấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận