Đây là thực trạng mà Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nêu ra trong văn bản gửi UBND TP.HCM dự thảo văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Thời gian qua, TP.HCM đã thí điểm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại khu phố 4, khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Tuy nhiên, việc xử lý còn khó khăn do thiếu các biện pháp cưỡng chế đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm nhiều lần và những cơ sở buộc di dời do thuộc ngành nghề có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường xen cài trong khu dân cư.
Khi triển khai các biện pháp xử lý, các cơ sở này vẫn chưa chủ động, chậm triển khai việc xây dựng nhà xưởng tại vị trí mới, có hành vi đối phó, tháo dỡ niêm phong, không chấp hành quyết định xử phạt, đình chỉ, cấm hoạt động tại vị trí cũ.
TP.HCM có rất nhiều hộ gia đình, công ty quy mô nhỏ hoạt động xen cài trong khu dân cư, nhiều cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính chỉ chấp nhận nộp phạt, không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả là đình chỉ hoạt động, gây bức xúc trong người dân và khó khăn cho đơn vị xử lý. Các quyết định xử phạt của cơ quan hành chính nhà nước chưa thực sự hiệu quả.
Trong khi đó, điện và nước là yếu tố cơ bản cho hoạt động sản xuất. Việc ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp hữu hiệu, buộc cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa đề cập cụ thể nên địa phương chưa thể áp dụng.
Do vậy, TP.HCM kiến nghị bổ sung biện pháp ngừng cung cấp điện, nước công đoạn sản xuất của cá nhân, tổ chức vi phạm về môi trường để buộc những cơ sở này phải khắc phục hậu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận