10/04/2025 07:42 GMT+7

Đề xuất cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi bỏ cấp huyện

Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đề xuất bổ sung lại thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật với cấp xã.

Đề xuất cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi bỏ cấp huyện - Ảnh 1.

Người dân đến UBND xã làm thủ tục - Ảnh: NAM TRẦN

Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do bộ này chủ trì soạn thảo. Dự luật dự kiến được trình kỳ họp thứ 9 tới đây của Quốc hội xem xét.

Cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phù hợp

Theo Bộ Tư pháp, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của dự luật liên quan thẩm quyền, các quy định liên quan đến việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương.

Việc này nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, định hướng chỉ đạo của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, định hướng sửa đổi Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã).

Trong đó cần nghiên cứu để cụ thể hóa các quy định liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành văn bản của chính quyền cấp xã.

Đồng thời thể chế hóa nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, chính sách thí điểm của Quốc hội về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia...

Cũng theo Bộ Tư pháp, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về chính quyền địa phương, dự kiến bỏ đơn vị hành chính cấp huyện.

Chính quyền địa phương chỉ tổ chức thành 2 cấp gồm cấp tỉnh và cấp xã; sắp xếp, tinh gọn các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Trong khi đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương (cấp tỉnh và cấp huyện, bỏ thẩm quyền ban hành của cấp xã) nên không còn phù hợp với chủ trương sắp xếp bỏ đơn vị hành chính cấp huyện.

Do đó, việc kịp thời sửa đổi, bổ sung luật để bảo đảm thống nhất với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) là cần thiết.

Cụ thể, dự thảo luật bổ sung quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp xã để phù hợp với yêu cầu tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay để hình thành các đơn vị hành chính cấp xã (mới) gồm xã, phường và đặc khu ở hải đảo để phù hợp với mô hình tổ chức mới.

Dự thảo cũng thay thế quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã để phù hợp với chủ trương đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp.

Khắc phục triệt để sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương.

Dự thảo quy định: "HĐND cấp xã ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.

UBND cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao; phân cấp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp".

Lộ trình bãi bỏ văn bản do cấp huyện ban hành

Dự luật bổ sung quy định nghị quyết của HĐND, UBND cấp huyện được ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ của cơ quan, người có thẩm quyền.

Đối với việc xử lý văn bản của chính quyền địa phương cấp huyện, dự thảo luật quy định HĐND cấp tỉnh bãi bỏ nghị quyết của HĐND cấp huyện.

UBND cấp tỉnh bãi bỏ quyết định của UBND cấp huyện theo lộ trình chậm nhất 2 năm kể từ ngày luật có hiệu lực bãi bỏ toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện.

Việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện được thực hiện bằng 2 hình thức. Gồm HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh tự bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của HĐND cấp huyện, UBND cấp huyện;

HĐND, UBND cấp xã khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật đồng thời đề xuất HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan do HĐND, UBND cấp huyện ban hành.

Cần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn từng cấp chính quyền địa phương

Bộ Tư pháp cho rằng cần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương.

Trong đó, cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên cơ sở, vượt quá năng lực giải quyết của cơ sở, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất trên toàn cấp tỉnh.

Cấp xã là cấp tổ chức thực hiện chính sách (từ trung ương và cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn; các nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp xã.

Do dự kiến không còn tổ chức cấp huyện nên dự thảo luật bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện.

Đề xuất cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi bỏ cấp huyện - Ảnh 3.Quy định mới: Bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã

Từ 1-4, khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực, sẽ bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên