19/10/2024 14:29 GMT+7

Đề xuất bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng

Bộ Nội vụ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ và quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ.

Đề xuất bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: GIA HÂN

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Hồ sơ do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ

Tại tờ trình phục vụ Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện các quy định tại điều 5 Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành.

Trong đó, nguyên tắc xác định các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ sẽ được bổ sung tại các luật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất với các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ tại Luật Tổ chức Chính phủ.

Luật Tổ chức Chính phủ sẽ được bổ sung các nguyên tắc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực, bảo đảm thực hiện mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ. Trong đó, kế thừa và bổ sung quy định tại điều 27 luật hiện hành và hoàn thiện bổ sung để phù hợp với các nội dung sửa đổi liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, bổ sung và hoàn thiện quy định tại điều 28 luật hiện hành và hoàn thiện bổ sung để thống nhất với thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ theo quy định của Đảng và các luật có liên quan.

Đồng thời, làm rõ phạm vi trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong việc lãnh đạo của Chính phủ.

Lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật phù hợp với việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa cơ quan thực hiện quyền hành pháp với cơ quan thực hiện quyền lập pháp, và cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ.

Cụ thể, kế thừa và bổ sung hoàn thiện quy định tại điều 33 luật hiện hành và hoàn thiện bổ sung để đề cao trách nhiệm bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ trong quản lý nhà nước đối với các vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực theo phân công của Chính phủ.

Hạn chế việc đẩy trách nhiệm lên cho Thủ tướng Chính phủ quyết định các vấn đề cụ thể thuộc phạm vi quản lý nhà nước đã được Chính phủ phân công cho bộ, ngành mình quản lý.

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.

Vẫn còn có quy định chung chung

Trong dự thảo tổng kết thi hành luật của Bộ Nội vụ cũng nêu rõ vẫn còn tình trạng phân quyền trực tiếp cho các bộ, ngành ngay trong các luật chuyên ngành.

Đặc biệt là việc quy định một số bộ, ngành cùng tham gia quản lý về một ngành, lĩnh vực, vừa chưa bảo đảm sự thống nhất quản lý của Chính phủ theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), vừa thiếu nhất quán trong việc thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm.

Điều này làm phát sinh sự giao thoa, chồng chéo trong phân công nhiệm vụ dẫn đến nhiều việc phải dồn lên Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc phải thành lập nhiều ban chỉ đạo liên ngành để giải quyết.

Mặt khác, việc chưa phân định rạch ròi nhiệm vụ quyền hạn của tập thể Chính phủ với Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ.

Vẫn còn có quy định chung chung về nhiệm vụ, quyền hạn giữa tập thể với cá nhân, dẫn đến không rõ trách nhiệm trong quản lý, điều hành giữa tập thể với cá nhân trong cơ quan hành chính nhà nước.

Từ đó dẫn đến việc một số quy định còn trùng lặp về quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc xác định thẩm quyền của tập thể Chính phủ và cá nhân người đứng đầu Chính phủ trong vận hành thiết chế Chính phủ.

Dự kiến, dự luật được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu vào tháng 4-2026 và xem xét thông qua dự thảo luật vào tháng 10-2026.

Đề xuất bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng - Ảnh 3.Bộ Nội vụ đề xuất quy định mới về tổ chức, hoạt động của UBND, chủ tịch UBND phường ở Hà Nội

Bộ Nội vụ đề xuất phường loại 1, 2 ở Hà Nội có chủ tịch, 2 phó chủ tịch, 6 chức danh công chức. Phường loại 3 có chủ tịch, 1 phó chủ tịch.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên