07/06/2023 08:57 GMT+7

Đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm với lãnh đạo nhận 30-35% phiếu tín nhiệm thấp

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị lấy phiếu tín nhiệm với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu để tự soi, tự sửa.

Đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm với lãnh đạo nhận 30-35% phiếu tín nhiệm thấp - Ảnh 1.

Phiên họp tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội - Ảnh: GIA HÂN

Tổng thư ký Quốc hội đã có tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Theo đó, đã có 114 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu.

Đề nghị vẫn lấy phiếu tín nhiệm với người có thông báo nghỉ hưu

Về các trường hợp không lấy phiếu, có ý kiến cho rằng trường hợp nghỉ điều hành công tác từ 6 tháng trở lên vì lý do khác (không phải vì lý do sức khỏe) và được cấp có thẩm quyền đồng ý cũng không lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm tính nhân văn.

Đáng chú ý về việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với người mắc bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên, qua thảo luận có 2 loại ý kiến. Cụ thể:

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo nhưng đề nghị giải trình rõ lý do tại sao lại quy định là 6 tháng.

Cần quy định rõ là 6 tháng liên tục để bảo đảm chặt chẽ, xác định rõ bệnh hiểm nghèo là bệnh gì và xác nhận của cơ sở y tế ở cấp nào. 

Có ý kiến cho rằng nếu đã bị bệnh hiểm nghèo thì không nên quy định thời gian nghỉ việc đến 6 tháng mà chỉ cần từ 3 tháng trở lên.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng việc không lấy phiếu tín nhiệm với người mắc bệnh hiểm nghèo đang phải chữa bệnh và không trực tiếp đảm nhiệm chức vụ trong thời gian từ 6 tháng trở lên là không phù hợp vì không bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe đối với cán bộ lãnh đạo.

Trong trường hợp này, cơ quan quản lý cán bộ hoặc người đã trình Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn cần làm thủ tục đề nghị Quốc hội, HĐND miễn nhiệm, thay thế người mới.

Cũng có ý kiến cho rằng trong trường hợp này cần tham khảo ý kiến của người giữ chức vụ, nếu người đó đồng ý thì vẫn tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Về việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu, có ý kiến đề nghị vẫn lấy phiếu tín nhiệm với người này.

Việc này giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tự soi, tự sửa và tiếp tục rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong khoảng thời gian công tác còn lại.

Có nên quy định cụ thể thời gian từ chức?

Liên quan hệ quả lấy phiếu, có ý kiến đề nghị chỉnh lý quy định trường hợp lấy phiếu tín nhiệm mà có từ 50% số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp trở lên thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo hướng giảm tỉ lệ này thành 30% hoặc 35%.

Việc này để có cơ chế giám sát tốt hơn bởi qua báo cáo tổng kết cho thấy số người có tín nhiệm thấp trên 50% là rất ít nên hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm trên thực tế chưa được như mong đợi.

Ý kiến khác đề nghị quy định kết quả xử lý cụ thể với các trường hợp tuy chưa đến mức phải bỏ phiếu tín nhiệm nhưng tỉ lệ tín nhiệm không cao để thể hiện rõ trách nhiệm chính trị của người được lấy phiếu tín nhiệm đối với vị trí công việc của mình.

Một số ý kiến đề nghị trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 50% đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp sẽ trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần qua bước cho phép từ chức.

Bởi không xác định được cụ thể thời gian xin từ chức là bao lâu, gây khó khăn cho việc thực hiện các quy trình tiếp theo hoặc đề nghị quy định cụ thể thời gian xin từ chức ngay trong dự thảo (nên ghép với ý đồng ý cho từ chức nhưng cần quy định cụ thể thời gian).

Ý kiến khác cho rằng việc quy định cụ thể thời gian từ chức sẽ không bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong thực tiễn.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định cho phép người được lấy phiếu tín nhiệm mà có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp chủ động xin từ chức. Trường hợp không chủ động xin từ chức mới tiến hành việc miễn nhiệm.

Việc từ chức trong trường hợp nêu trên nên được khuyến khích vì nếu đưa ra miễn nhiệm ngay có thể xảy ra trường hợp không đạt tỉ lệ miễn nhiệm theo quy định.

Ý kiến khác cho rằng theo quy định 96, trường hợp này không có hình thức từ chức mà phải tiến hành miễn nhiệm.

Vì sao bỏ đề xuất lãnh đạo tín nhiệm thấp phải từ chức trong thời hạn 10 ngày?Vì sao bỏ đề xuất lãnh đạo tín nhiệm thấp phải từ chức trong thời hạn 10 ngày?

Về đối tượng không lấy phiếu tín nhiệm, bà Nguyễn Thị Thanh nêu rõ chỉ duy nhất người bị bệnh hiểm nghèo, không điều hành từ 6 tháng trở lên không lấy phiếu.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên