Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và công nghệ, ký kết với Viện Công nghệ Bùi Văn Ngọ hỗ trợ phát triển đổi mới công nghệ - Ảnh: SƠN LÂM
Chiều 12-6, tại Long An, ông Lê Xuân Định - thứ trưởng Bộ KHCN - chủ trì hội thảo "Đề xuất khung mô hình chuỗi cung ứng dịch vụ KHCN phục vụ liên kết vùng phát triển các sản phẩm chủ lực ĐBSCL" để lắng nghe ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực cung ứng công nghệ cũng như liên kết sản xuất trong nông nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Phạm Xuân Đà - Cục Công tác phía Nam, Bộ KHCN - mở đầu bằng thông tin vùng ĐBSCL đang chiếm 20% thị phần gạo thương mại toàn cầu, sản xuất tôm chiếm 80% cả nước, xuất khẩu trái cây đạt trên 1 tỉ USD.
Tuy nhiên, ông Đà cho rằng hiện nay chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong phấn đề phát triển KHCN mà chủ yếu chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện thực hiện của các doanh nghiệp cũng như đơn vị nhà nước. Bên cạnh đó là sự phát triển, nghiên cứu KHCN chưa đồng bộ, còn chồng lấn trong các nhiệm vụ do thiếu nguồn thông tin liên kết.
Ông Đà cho rằng phải lấy doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động đổi mới KHCN và xem dịch vụ trong lĩnh vực này là một nhân tố quan trọng để hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt đổi mới sáng tạo, từ đó gia tăng hiệu quả ứng dụng sản phẩm vào thực tiễn.
Một số giải pháp được ông Đà đưa ra bao gồm: kết nối chặt chẽ vùng ĐBSCL với TP.HCM, Cần Thơ; bổ sung ngân sách và nguồn lực thực hiện quy hoạch trong đó có các nhiệm vụ KHCN phát triển vùng, đưa KHCN tham gia vào các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nước ngọt cho đời sống …
Ông Lê Quốc Dũng - giám đốc Sở KHCN tỉnh Long An - đề xuất bộ nên xem xét thực hiện 3 chương trình phát triển về KHCN.
Đầu tiên là "Chương trình KHCN phát triển năng suất, chất lượng vùng ĐBSCL" nhằm hỗ trợ các địa phương thực hiện các lớp đào tạo nguồn nhân lực, các dự án đổi mới nâng cao trình độ công nghệ thiết bị, các dự án hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.
Thứ hai là "Chương trình KHCN và đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL" thực hiện các dự án phát triển doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy phát triển thị trường KHCN.
Thứ ba là "Chương trình KHCN thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL" nhằm hỗ trợ các địa phương thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất thích ứng hạn mặn, chống sạt lở, năng lượng sạch, khử mặn cấp nước ngọt…
Mỗi chương trình trên đều đề xuất thực hiện trong thời gian từ năm 2021 - 2025, với kinh phí 650 tỉ đồng (13 tỉnh x 10 tỉ x 5 năm) cho mỗi chương trình. "Mỗi tỉnh 10 tỉ một năm là không nhiều", ông Dũng nói.
Thứ trưởng Lê Xuân Đình cho biết sẽ ghi nhận toàn bộ nội dung trên để làm nền tảng cho những chương trình lớn của Bộ KHCN về sau.
Trong khuôn khổ buổi hội thảo, Cục Công tác phía Nam và Viện Công nghệ Bùi Văn Ngọ đã ký kết hợp tác "hỗ trợ kết nối các hoạt động nghiện cứu cải tiến, đổi mới cơ khí nông nghiệp của doanh nghiệp với cơ quan quản lý và người tiêu dùng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận