Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt được quy hoạch có tổng chiều dài 208km với quy mô 4 làn xe, đến nay mới đầu tư xong đoạn từ đèo Prenn đến thành phố Đà Lạt khoảng 19km - Ảnh: Đ.THỌ
Nội dung này được thể hiện trong văn bản Bộ Giao thông vận tải vừa gửi Văn phòng Chính phủ góp ý về việc giao UBND tỉnh Lâm Đồng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc.
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt có tổng chiều dài 208km với quy mô 4 làn xe, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hiện nay, đoạn từ đèo Prenn đến thành phố Đà Lạt khoảng 19km đã hoàn thành.
Theo tính toán của bộ này, tại thời điểm năm 2014, toàn bộ tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng mức đầu tư lớn, nếu đầu tư đủ tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, mặt cắt ngang 25m với tổng chiều dài gần 200km cần đến 65.000 tỉ đồng.
Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã giao cơ quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần theo các đoạn: Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, đề xuất sử dụng vốn hỗ trợ của nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đến tháng 1-2021, UBND các tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai đã có văn bản báo cáo Thủ tướng đề xuất phương án đầu tư đoạn Tân Phú - Bảo Lộc dài 67km theo phương thức đối tác công tư (PPP), có tổng mức đầu tư khoảng 18.200 tỉ đồng. UBND hai tỉnh trên đề nghị giao UBND tỉnh Lâm Đồng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án.
Bộ Giao thông vận tải ủng hộ giao địa phương thực hiện chức năng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sớm thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Bộ này cũng kiến nghị sau khi hoàn chỉnh các thủ tục, có thể báo cáo cấp thẩm quyền giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo 2 cách thức:
Giao địa phương là cơ quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Bộ sẽ phối hợp, hỗ trợ địa phương về thủ tục trong quá trình triển khai.
Giao địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án tương tự như một số dự án đã được Thủ tướng chấp thuận giao cho địa phương như cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cầu Bạch Đằng (UBND tỉnh Quảng Ninh), cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (UBND tỉnh Sơn La), cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (UBND tỉnh Cao Bằng)... nhằm tăng tính chủ động, tạo thuận lợi trong giải phóng mặt bằng và hỗ trợ nhà đầu tư khi triển khai.
Ngày 4-2, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 24/TB - VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hôm 21-1.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) trong giai đoạn 2021-2025 theo phương thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của Nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận