Bộ Công an đang dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 67/2019, quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xử lý các trường hợp vi phạm giao thông.
Thông tư này là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện công tác dân chủ; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Loại bỏ 2 kế hoạch cần công khai
Đáng chú ý, trong thông tư hiện hành, nội dung công khai của Công an nhân dân trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông gồm: kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên.
Trong đó, gồm các nội dung cụ thể sau: tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện.
Tuy nhiên trong dự thảo thông tư mới, lực lượng công an chỉ công khai kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông. Các nội dung trong đó gồm: tên đơn vị; tuyến đường; loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện.
Như vậy, nội dung liên quan đến kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông và kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên sẽ không cần phải công khai.
Cơ quan soạn thảo nhấn mạnh, việc sửa đổi này là rất cần thiết "nhằm bảo đảm tính hợp pháp và thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Đồng thời, sát với thực tiễn công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phù hợp quy phạm pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ cơ sở".
Trước đó thông tư 32/2023 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình tuần tra, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông có hiệu lực từ ngày 15-9-2023 cũng đã bỏ quy định lực lượng chức năng phải công khai các kế hoạch tuần tra, kiểm soát.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Cục Cảnh sát giao thông lý giải kế hoạch tuần tra kiểm soát là mệnh lệnh chiến đấu của lực lượng vũ trang.
Kế hoạch này có nhiều nội dung nằm ngoài công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm.
Do vậy cần giữ kín để đảm bảo bí mật công tác, tránh việc tội phạm lợi dụng.
Có tình trạng lợi dụng quyền giám sát để ghi hình cảnh sát giao thông rồi tung lên mạng xã hội
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất người dân có thể tham gia ý kiến qua tài khoản mạng xã hội; ứng dụng VneTraffic của cơ quan công an; bên cạnh cổng thông tin điện tử và trang thông tin điện tử như hiện hành.
Trong tờ trình Cục Cảnh sát giao thông nhìn nhận qua hơn 4 năm thực hiện, thông tư số 67/2019/TT-BCA đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, phát sinh nhiều bất cập.
Chẳng hạn như việc giám sát của người dân với lực lượng cảnh sát giao thông có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định; một số cá nhân lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc.
Sau đó, họ chia sẻ lên mạng xã hội, ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng. Nhiều trường hợp chống đối đã lợi dụng xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo gây phức tạp cho công tác thi hành pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận