Theo góp ý của hành khách, TP.HCM cần xây thêm nhà chờ tại các trạm xe buýt - Ảnh: Hữu Khoa |
Tôi sống ở Hà Nội và từng có nhiều năm đi lại bằng xe buýt vì sự an toàn và tiện ích của loại hình giao thông công cộng này.
Cách đây khoảng 6 tháng, tôi chuyển vào TP.HCM sinh sống và vẫn chọn xe buýt để đi lại. Qua một thời gian song hành cùng xe buýt ở thành phố, tôi thấy có một số điều khác biệt so với xe buýt ở Hà Nội.
Xe buýt ở TP.HCM có đến 3 loại vé, đó là vé dành cho sinh viên - học sinh, vé tập cho hành khách bình thường và vé đi hằng ngày cho mọi hành khách, khiến nhân viên kiểm soát vé vất vả. Khi làm nhiệm vụ, nhân viên xe buýt phải cầm trên tay 3 tập vé dày, mỗi khi thấy khách là đối tượng nào trong 3 loại vé thì lựa một vé đưa cho khách rồi thu tiền.
Chỉ có khách đi vé tập mua trước là không phải thu tiền, nhưng khi nhận tờ vé tập từ khách, nhân viên vẫn phải xé một cuống vé khác để đưa trả lại khách.
Nói chung là rất mất thời gian, khi khách vắng còn đỡ, còn khi khách đông ở những giờ cao điểm thì nhân viên “quay” không kịp.
Với xe buýt thủ đô, chỉ có hai loại vé là vé dành cho khách đi hằng ngày và vé tháng. Vé tháng (tương tự như vé tập tại TP.HCM) là thẻ dán tem nhỏ theo từng tháng, thậm chí là cả quý, rất tiện lợi cho cả khách lẫn nhân viên nhà xe, khi khách lên xe chỉ cần giơ chiếc thẻ để nhân viên nhìn kiểm tra là xong.
Tại sao hệ thống xe buýt ở thành phố ta không làm theo cách phát hành vé tháng dán tem như Hà Nội, để giảm tải công việc cho nhân viên, thuận tiện cho khách, cũng như giảm chi phí đáng kể cho việc in ấn vé?
Khi đi một số tuyến buýt trong TP.HCM, tôi thấy người lái xe kiêm luôn nhân viên bán và kiểm soát vé. Hình thức “hai trong một” này khá gọn nhẹ, nhưng theo tôi chưa phù hợp ở nước ta.
Khi đến các điểm dừng mà khách lên đông người, lái xe bán và kiểm soát vé rất mất thời gian.
Không chỉ khách phải chờ đợi, mà việc lái xe dừng lâu để bán và kiểm soát vé đã vô tình án ngữ, cản trở lưu thông của các xe khác phía sau.
Về trạm dừng, nhà chờ có mái che dành cho khách đi xe buýt được xây dựng rất nhiều ở Hà Nội, còn ở TP.HCM thì không nhiều lắm. Trạm chờ ở nhiều nơi chỉ có những chiếc cọc sắt, đứng đón xe ở những chỗ như vậy không phù hợp, nhất là khi mưa gió.
Tôi nghĩ thành phố cần nhanh chóng xây dựng thêm các trạm dừng đỗ kiên cố, hiện đại để phục vụ khách đi xe.
Có thể lấy thu bù chi bằng hình thức cho quảng cáo ở các điểm dừng đỗ, bởi việc này xe buýt ở thủ đô đã thực hiện và thu được kết quả đáng kể.
Mệt mỏi vì xe bỏ trạm Tuyến buýt số 56 tôi đi thường xuyên với quãng đường dài tới trên 23km, lại chạy xuyên qua trung tâm TP.HCM, qua nhiều trường đại học, cao đẳng, khu dân cư đông đúc, vì vậy mà lượng khách lúc nào cũng đông, kể cả vào giờ thấp điểm. Khung giờ cao điểm buổi sáng từ 6 - 7g khách luôn quá tải, chỉ cần chạy qua dăm bảy trạm chờ là lượng khách lên đã đông như nêm, khiến tài xế không thể dừng xe ở các trạm kế tiếp để đón thêm khách lên xe nữa. Chính vì lẽ đó mà những khách đứng chờ xe ở các trạm kế tiếp ấy cứ đứng chôn chân và dài cổ chờ đợi. Mặc dù đã lường trước và cố tình tránh giờ cao điểm ấy bằng cách đi làm sớm hoặc là đón xe muộn hơn, nhưng không ít hôm tôi vẫn phải chịu cảnh bị xe buýt bỏ trạm vì quá tải và phải đến cơ quan muộn giờ làm, có khi hơn một giờ. Chẳng riêng gì tuyến số 56, các tuyến buýt chạy qua trạm mà tôi hay đứng đón xe như tuyến số 57, 55, 76... cũng đều trong tình cảnh quá tải khách tương tự. Nhiều người quen của tôi phàn nàn hầu như sáng nào cũng phải đứng mỏi chân chờ 4 - 5 lượt xe của tuyến đi qua mới đón được xe. Có người nản quá, đã phải bỏ xe buýt chuyển qua đi xe máy, xe đạp dẫu việc đi lại có xa xôi mệt mỏi hơn. Nếu như các doanh nghiệp xe buýt của TP.HCM không nhanh chóng đưa ra các giải pháp hợp lý cho vấn đề xe buýt quá tải thì chắc chắn lượng khách sẽ ngày một giảm. Đây là điều không tích cực khi chúng ta đang khuyến khích mọi người đi xe buýt để giảm ách tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo tôi, giải pháp phải áp dụng ngay là thu hẹp hơn nữa khoảng cách giữa hai chuyến xe vào giờ cao điểm, có thể khoảng 3 - 5 phút thay vì từ 7 - 10 phút như hiện nay. Tôi tin rằng nếu rút ngắn khoảng thời gian này thì các tuyến buýt đông đúc sẽ giảm được tình trạng quá tải dẫn đến bỏ trạm. Tất nhiên, để có thể điều động tần suất chạy xe dày như vậy thì số đầu xe trong tuyến sẽ phải tăng thêm. NGUYỄN VIỆT HÀ (Q.9, TP.HCM) |
Ông Đậu An Phúc (giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM): Sẽ áp dụng vé điện tử thông minh TP.HCM áp dụng tem vé tháng từ năm 2004. Tuy nhiên, do mô hình quản lý và vận hành theo phương thức đa dạng, kết hợp bởi nhiều thành phần hoạt động xe buýt gồm doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã... nên qua quá trình khai thác, hình thức tem tháng xuất hiện nhiều bất cập. Vì vậy, đến năm 2009 TP.HCM đã chuyển sang sử dụng vé tập tháng thay cho tem vé tháng nhưng hình thức này đến nay cũng đã phát sinh một số khiếm khuyết. Qua nghiên cứu hoạt động giao thông công cộng của các nước phát triển, hình thức vé điện tử thông minh (smartcar) có thể giải quyết hiệu quả các bất cập hiện nay của hệ thống vé ở TP.HCM. Sở Giao thông vận tải và trung tâm đã và đang đẩy nhanh tiến độ ứng dụng vé điện tử thông minh vào hoạt động vận tải hành khách của thành phố (dự kiến vào cuối năm 2015, đầu năm 2016) nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Về việc bố trí các trạm dừng xe buýt tại TP.HCM cũng như phát triển hệ thống bến bãi, cơ sở hạ tầng...chúng tôi xin ghi nhận ý kiến đóng góp của quý bạn đọc và đã có những giải pháp cụ thể nhằm phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. N.ẨN ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận