Trận đấu giữa 2 võ sĩ Huỳnh Ngọc Anh (phải) và Dadewong Somsak (Lào) mở màn cho đêm thi đấu sôi động của giải - Ảnh: H.Đ.
Lần hiếm hoi ở Việt Nam, người hâm mộ võ thuật được chứng kiến một màn "đả lôi đài" như thế, ở giải muay Thái tranh đai vô địch USC diễn ra hôm 23-12 ở nhà thi đấu Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM).
Không giống như judo, taekwondo hay aikido - muay Thái được xếp vào nhóm những môn võ đài như boxing hay MMA.
Điều mà người hâm mộ khao khát khi đến võ đài những môn võ này chỉ có một - sự quyết liệt, sôi động đậm tính giải trí.
Võ sĩ muốn có thu nhập cao phải tham gia vào những giải đấu tranh đai vô địch của hệ thống liên đoàn thế giới. Ở VN hiện có khoảng 10 võ sĩ là đủ trình độ thi đấu các giải chuyên nghiệp của nước ngoài.
Ông Giáp Trung Thang (tổng thư ký Liên đoàn Muay TP.HCM)
Ở Việt Nam, đây thật ra lại là chuyện xa lạ. Võ thuật Việt Nam bấy lâu nay vốn đi theo con đường của IOC (Ủy ban Olympic thế giới) với mục tiêu tối hậu là những tấm huy chương ở các kỳ đại hội thể thao như Olympic, Asiad hay SEA Games.
Nhưng trong thế giới của những môn đấu võ đài, Olympic lại chỉ được xem là sân chơi... nghiệp dư. Cũng vì vậy, người ta chẳng bao giờ nghe đến việc những võ sĩ boxing lừng danh như Mike Tyson giành huy chương ở Olympic trong thời kỳ đỉnh cao của họ.
Thiếu tính chuyên nghiệp, các võ đài ở Việt Nam cũng thường lâm vào cảnh "đìu hiu hút gió".
Các giải đấu phần lớn chỉ thu hút khán giả là người nhà của vận động viên. Bản thân các võ sĩ Việt Nam tuy thường giành huy chương vàng ở những giải châu Á, thế giới nhưng không có tiền thưởng, chỉ trông đợi vào mức thưởng của Tổng cục Thể dục Thể thao.
Ông Giáp Trung Thang - tổng thư ký Liên đoàn Muay TP.HCM - cho biết sau nhiều năm lên kế hoạch, họ mới tổ chức được một giải chuyên nghiệp: giải tranh đai USC thuộc hệ thống của WMO và WMC vào hôm 23-12.
Đây cũng là giải đấu muay Thái chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam. Giải bao gồm 3 trận đấu tranh đai vô địch giữa các võ sĩ Việt Nam và những đối thủ đến từ Thái Lan, Trung Quốc, cùng 4 trận đấu giao hữu. Đáng chú ý nhất là trận tranh đai hạng nhẹ giữa Nguyễn Trần Duy Nhất và Phimwong Kitty của Thái Lan.
"Ở năm đầu tiên, chúng tôi chỉ dám đăng ký mức thưởng 1.000 USD cho mỗi trận tranh đai vô địch. Dần dà khi hệ thống giải ổn định rồi sẽ tăng thêm mức thưởng và cứ 3 tháng tổ chức một giải", ông Thang nói.
So với các giải nghiệp dư, giải muay Thái chuyên nghiệp bỏ đi phần vật dụng bảo hộ nên những trận đấu càng thêm phần quyết liệt. Không chỉ vậy, giải đấu càng đậm chất giải trí hơn với việc xen lẫn những chương trình ca nhạc, các cô gái "ring girl" vào giữa những hiệp đấu, biến giải thành một sự kiện giải trí sôi động đúng nghĩa.
"Trước khi làm giải này, tôi từng nhiều lần sang Thái Lan xem các sự kiện võ thuật của họ, phải nói đều là những sự kiện giải trí đỉnh cao. Như show Thai Fight tuy chỉ là biểu diễn nhưng âm thanh, ánh sáng cực kỳ đẳng cấp, khiến người xem rất yêu thích.
Đó là mục tiêu hàng đầu của chúng tôi khi tổ chức giải, phải làm sao để võ đài trở thành nơi giải trí, sôi động cho các khán giả chứ không chỉ có vận động viên với nhau", ông Thang nói.
Hơn 1.000 khán giả có mặt
Dù ban tổ chức không dám kỳ vọng quá nhiều trong lần đầu tiên diễn ra giải nhưng nhà thi đấu Nguyễn Du tối 23-12 vẫn vô cùng sôi động với hơn 1.000 khán giả đổ đến.
Mức vé vào cửa là 200.000 đồng, tương đối cao nếu biết rằng nhiều sự kiện võ thuật dù mở cửa miễn phí vẫn không có khán giả.
Càng về khuya, nhà thi đấu càng chật kín theo chân những trận đấu "đinh" nhất của giải.
Nhiều khán giả cho biết họ chỉ tình cờ đi ngang qua nhưng rồi vẫn quyết định mua vé khi nghe thấy bầu không khí sôi động bên trong nhà thi đấu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận