24/09/2024 10:58 GMT+7

Để Việt Nam tự cường AI

Có thể nói ngày 22-9, ngày đầu tiên trong chuyến công tác Mỹ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lần này, là ngày của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Để Việt Nam tự cường AI - Ảnh 2.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện ở New York vào ngày 22-9 - Ảnh: TTXVN

Đây cũng chính là hai lĩnh vực mà Việt Nam xác định cần dựa vào để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Một xã hội dựa trên AI

Tại cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp và chuyên gia Mỹ về trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn vào chiều 22-9 (giờ địa phương, tức sáng 23-9 theo giờ Việt Nam), nhà lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược.

Theo ông, ưu tiên trong phát triển khoa học và công nghệ kéo theo sự phát triển của các ngành phụ trợ khác, đồng thời tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Và tại kỷ niệm một năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ sau đó vào cuối ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề nghị đưa hợp tác khoa học - công nghệ, lĩnh vực có tính đột phá của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, lên tầm cao mới. Trong đó ưu tiên tìm kiếm đột phá trong các lĩnh vực mới như bán dẫn, AI, chuyển đổi xanh; và đi cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Tôi tin rằng tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào việc đầu tư cho các quyết định chính sách thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và AI", ông Keith Strier, phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn AMD, nhấn mạnh khi nói về điều mà ông gọi là "tự cường AI" cho Việt Nam tại tọa đàm.

Nhiều hiến kế, đề xuất đưa Việt Nam trở thành mắt xích trong lĩnh vực AI và bán dẫn toàn cầu đã được nêu ra. Với tư cách là doanh nghiệp đã hiện diện lâu dài tại Việt Nam, phó chủ tịch AMD nhấn mạnh nền tảng cho một Việt Nam "tự cường AI" gồm có bốn thành tố. Trong đó thành tố trung tâm là con người, xung quanh con người là hệ sinh thái. Hỗ trợ các hệ sinh thái đó là cơ sở hạ tầng, và thúc đẩy cơ sở hạ tầng đó tiến lên là chính phủ lành mạnh.

"Những điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi nền kinh tế công nghệ thông tin của Việt Nam thành nền kinh tế AI. Lực lượng lao động trong ngành công nghệ thông tin sẽ trở thành lực lượng lao động AI và xã hội Việt Nam sẽ chuyển thành một xã hội dựa trên AI", ông Keith Strier nêu vấn đề.

Đầu tư nguồn nhân lực

Hôm 21-9, ngay trước chuyến công tác đến Mỹ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

"Việc Việt Nam công bố chiến lược ngành bán dẫn thực sự là một bước tiến quan trọng. Việt Nam cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao mạnh mẽ hơn nữa", Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) John Neuffer nêu vấn đề với Tuổi Trẻ.

Theo chủ tịch SIA, chiến lược vừa ban hành được ví như mảnh ghép quan trọng, có tác động qua lại với Chiến lược phát triển lĩnh vực AI được đề ra từ năm 2021, đồng thời phù hợp với diễn biến thế giới. Các hệ thống AI hiện nay đang "khát" chip, do đó để "làm chủ" được AI, Việt Nam cần phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nhất là đào tạo nguồn nhân lực.

"Cuộc khủng hoảng về chip thời gian gần đây và những cuộc khủng hoảng toàn cầu đã chứng tỏ tầm quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu về chất bán dẫn", chủ tịch SIA nói thêm.

Nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ điều kiện cả về địa lý lẫn địa chất để thành công nhưng yếu tố con người cũng quan trọng không kém, ông John Neuffer khẳng định: "Quốc gia nào xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao lớn và càng sớm sẽ càng có vị trí cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu".

Ngoài nhấn mạnh yếu tố con người để làm chủ AI, tại tọa đàm ngày 22-9, chủ tịch SIA đề nghị Việt Nam tính thêm việc phát triển hệ sinh thái bảo vệ tài sản trí tuệ, khung pháp lý về công nghệ bán dẫn và AI.

Với tư cách là người từng làm trong cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), ông John Neuffer cũng khuyến nghị Việt Nam xem xét tham gia Hiệp định Công nghệ thông tin mở rộng (ITA 2) của Tổ chức Thương mại thế giới.

Dẫn chứng các nước như Singapore và Thái Lan đều đã tham gia, ông John Neuffer cho rằng việc ký kết sẽ giúp Việt Nam giảm thuế các mặt hàng sản xuất trong ngành bán dẫn, từ đó tăng tính cạnh tranh.

"Việt Nam cần thể hiện quyết tâm chính trị lớn và hành động mạnh mẽ để thu hút những nguồn đầu tư lớn, nắm bắt cơ hội hiện nay, hiện thực hóa tầm nhìn và tham vọng trong chiến lược đã đề ra", chủ tịch SIA, hiệp hội có mạng lưới thành viên chiếm tới 99% doanh thu ngành bán dẫn Mỹ, nêu đề xuất.

33

Theo chỉ số AI trách nhiệm toàn cầu (Global Index on Responsible AI) do Trung tâm nghiên cứu và các vấn đề quốc tế Canada (IDRC) công bố hồi tháng 6 vừa qua, Việt Nam đứng thứ hạng khá cao: 33/138 quốc gia và vùng lãnh thổ về mức độ trách nhiệm đối việc thiết kế, phát triển, triển khai và quản lý AI tôn trọng và bảo vệ mọi quyền con người.

Để Việt Nam tự cường AI - Ảnh 2.Tăng cường hợp tác Việt - Mỹ về phát triển công nghiệp bán dẫn và AI

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp các lãnh đạo, chuyên gia tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) chiều 22-9 giờ New York.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên