Nhà máy Samsung ở tỉnh Bắc Ninh vẫn duy trì làm việc cho công nhân trong điều kiện “3 tại chỗ” khi địa phương thực hiện giãn cách để đảm bảo mục tiêu sản xuất, xuất khẩu - Ảnh: L.TR.
Ông Nguyễn Văn Toàn, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), chia sẻ với Tuổi Trẻ như vậy. Ông nói:
- Năm 2021 đầu tư nước ngoài không có quá nhiều biến động. Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đăng ký mới, đăng ký tăng thêm đều tăng.
Số lượng dự án FDI giảm nhưng quy mô đầu tư các dự án tăng lên. Góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp trong nước dù giảm nhưng những tháng cuối năm có tín hiệu tích cực.
Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế thì VN đứng trong 20 nước dẫn đầu toàn cầu về thu hút đầu tư FDI trong năm 2021. Đây là một tín hiệu vui, chúng ta gần như đứng đầu Đông Nam Á về đầu tư nước ngoài.
Ông NGUYỄN VĂN TOÀN
Cần hiện thực hóa FDI chất lượng cao
* Chúng ta vẫn chủ yếu thu hút vốn đầu tư từ các thị trường truyền thống?
- Chúng ta thu hút dòng vốn đầu tư truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc tương đối tốt, nhưng nhà đầu tư Mỹ, EU thì chưa thấy động thái đáng chú ý. Tổng vốn của các nhà đầu tư Mỹ vào VN năm 2021 hơn 700 triệu USD (những năm trước, bình quân khoảng 1 tỉ USD/năm).
Dòng vốn đầu tư từ các nước châu Âu có nhích lên một chút. Nhưng một số nước có công nghệ tốt, mình rất mong muốn họ đầu tư vào Việt Nam như Đức, Anh thì vốn FDI vào Việt Nam chỉ mấy trăm triệu USD. Ngược lại, vốn từ Trung Quốc lại vươn lên đứng thứ 4 trong các quốc gia có vốn FDI vào Việt Nam, với quy mô hơn 2,9 tỉ USD - con số rất lớn.
Các năm trước, đầu tư từ Trung Quốc thường tương đương Mỹ. Số liệu đầu tư FDI năm 2021 cho thấy các dự án của Trung Quốc thường có quy mô vốn đầu tư ở mức trung bình và nhỏ, không phải dự án có công nghệ cao.
Trong thời gian tới chúng ta phải tìm cho ra những nguyên nhân để hiện thực hóa được chiến lược thu hút FDI chất lượng cao.
* Sản phẩm sản xuất của Nike tại Việt Nam chiếm 51% tổng sản phẩm sản xuất của tập đoàn này trong năm 2021. Vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang tăng lên?
- Năm vừa qua có một điểm hết sức tích cực, đó là có sự tăng vốn đầu tư đột biến ở các dự án FDI mở rộng đầu tư. Dự án của LG Display Việt Nam tại Hải Phòng là ví dụ.
Điều đáng tiếc là kỳ vọng thu hút các dự án mới, công ty mới, các dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn, có hiệu quả cao vẫn còn hạn chế dù Chính phủ rất quyết tâm.
Khi Thái Lan đã chuyển hướng sang sống chung với COVID-19 thì chúng ta vẫn chống dịch khắt khe. Tuy nhiên, với các thay đổi chính sách chống dịch sau đó, độ phủ vắc xin của Việt Nam rất cao.
Một tín hiệu tích cực nữa là Chính phủ đã lập tổ công tác về thu hút FDI do một phó thủ tướng phụ trách, lãnh đạo Chính phủ cũng chủ động, trực tiếp gặp gỡ các nhà đầu tư lớn, đầu tư chiến lược.
Chủ tịch, bí thư các tỉnh cũng đã gặp gỡ trực tiếp để lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư FDI. Các kiến nghị của một số hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài được Chính phủ giải quyết rất nhanh.
Xu hướng dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc vẫn có khi chính phủ nước này tiếp tục theo đuổi chính sách zero COVID, ảnh hưởng lớn tới sản xuất. Trong làn sóng dịch chuyển đầu tư này, nhiều nhà đầu tư FDI đã chọn Việt Nam làm điểm đến.
Công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) - doanh nghiệp gia công giày Nike - trong giờ làm việc - Ảnh: A LỘC
Việt Nam còn nhiều cơ hội
* Vậy ông dự báo thế nào về thu hút đầu tư FDI của Việt Nam trong năm 2022?
- Nếu Trung Quốc vẫn giữ quan điểm zero COVID thì Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong thu hút FDI. Bởi chúng ta không hạn chế đi lại, vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên có đón được "đại bàng", cần cách làm khác, xoay quanh 4 trụ cột.
Thứ nhất là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hạ tầng, trong đó phải đầu tư mạnh cho logistics vì hiện chi phí này rất cao.
Thứ hai là nhân lực chất lượng cao. Nếu nhà đầu tư FDI đưa công nghệ cao vào nhưng ta thiếu nhân lực thì họ không vào được.
Thứ ba là phát triển doanh nghiệp nội để bắt tay bình đẳng với các "đại bàng" FDI. Tính lan tỏa đầu tư FDI hiện nay dù đã được cải thiện nhưng vẫn rất thấp, vì vậy giá trị gia tăng thu được không nhiều, chỉ tập trung vào thuế và tiền lương người lao động.
Nhà đầu tư Mỹ, châu Âu đòi hỏi phải có hệ thống doanh nghiệp nội địa tốt mới vào. Họ đưa cả công ty lớn, công ty con vào Việt Nam thì chúng ta chỉ gia công.
Trụ cột thứ tư là từ phía Nhà nước. Ví dụ muốn phát triển doanh nghiệp nội thì phải có phong trào khởi nghiệp, sáng tạo, Nhà nước cần là điểm tựa để doanh nghiệp nội địa phát triển. Tương tự, câu chuyện phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì Nhà nước cần đưa ra chính sách đào tạo phù hợp.
Nếu không làm tốt 4 trụ cột trên thì mong muốn thu hút FDI chất lượng cao của Chính phủ khó thành hiện thực.
* Để làm được 4 trụ cột như thế không đơn giản, có nhiều thứ liên quan?
- Ngoài 4 trụ cột, cần có những giải pháp cụ thể như cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cán bộ, cải cách chế độ tiền lương. Bên cạnh đó, cần tận dụng tốt các FTA đã ký kết.
Cuối cùng là chuyển đổi số. Việt Nam có điểm xuất phát trong chuyển đổi số khá tốt. Người Việt khá nhanh nhạy với sử dụng công nghệ mới, có thế mạnh công nghệ thông tin, nên cần hỗ trợ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực này.
Công nhân tại một doanh nghiệp ở TP.HCM sản xuất giày cho các thương hiệu lớn trên thế giới - Ảnh: N.H.
Bắt đầu những tín hiệu vượt Trung Quốc
Theo báo The Guardian (Anh), hiện nay Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của châu Á. Việt Nam sản xuất hàng hóa cho một số thương hiệu lớn nhất của phương Tây về công nghệ, hàng may mặc và đồ thể thao.
Vừa qua, Việt Nam đã thay thế Trung Quốc trở thành nhà sản xuất chính của giày thể thao Nike (Mỹ).
Báo cáo tài chính của Hãng Nike cho thấy năm 2021, 51% số giày thể thao của hãng được sản xuất tại Việt Nam, trong khi tỉ lệ sản xuất tại Trung Quốc giảm xuống còn 21%.
Chính sách ưu đãi thuế và nhân công giá rẻ được đánh giá nằm trong số những yếu tố giúp VN thu hút các thương hiệu lớn của quốc tế.
Bình An
Kim ngạch xuất khẩu của VN và mặt hàng điện thoại, linh kiện - Nguồn: Bộ Công thương - Đồ họa: T.ĐẠT
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng:
Cạnh tranh trong thu hút đầu tư FDI ngày càng gay gắt
Trong năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng cả năm 2021, vốn đầu tư nước ngoài vào VN đạt 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam. Cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển ngày càng gay gắt.
Do vậy, thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp như: điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu; tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách; có chiến lược đúng trong xử lý dịch COVID-19; Chính phủ cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường…
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn, công ty luật, ngân hàng, quỹ đầu tư để tiếp cận lên danh sách các doanh nghiệp đang có quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để chủ động tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư tại Việt Nam.
Samsung tăng 8,5 tỉ USD xuất khẩu từ Việt Nam
Trao đổi riêng với Tuổi Trẻ, ông Choi Joo Ho - tổng giám đốc Samsung Việt Nam - khẳng định tiếp tục duy trì chiến lược để Việt Nam là cứ điểm xuất khẩu điện thoại "made in Vietnam" quy mô lớn ra thế giới.
Nếu trước đây Samsung đầu tư chủ yếu vào dây chuyền sản xuất thì trong thời gian tới sẽ nâng cao vị thế kinh doanh tại Việt Nam, trở thành cứ điểm nghiên cứu và phát triển chiến lược của Samsung thông qua việc đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển mới.
Ông Choi Joo Ho
Ông Choi Joo Ho chia sẻ năm 2021 mặc dù nhiều khó khăn hơn do những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhưng dự kiến xuất khẩu cả năm qua của Samsung tại Việt Nam đạt 65 tỉ USD (năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt 56,5 tỉ USD).
Kết quả có được là nhờ sự nỗ lực của toàn bộ cán bộ nhân viên, sự chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước, ban ngành và địa phương.
Tâm dịch của làn sóng dịch lần thứ 4, đó là Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM… đều là những nơi mà các cứ điểm sản xuất lớn của Samsung "đóng quân", đã phải chịu những tác động ghê gớm của dịch COVID-19.
Có những thời điểm công nhân bị F0, trong khi có những nhà máy với quy mô lên tới hàng trăm nghìn công nhân thì việc đảm bảo an toàn phòng dịch, an toàn sản xuất trong điều kiện 3 tại chỗ là thách thức không hề nhỏ.
Nhà máy Samsung trong Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy vậy, ông Choi Joo Ho khẳng định: "Đáp lại sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi không thay đổi chiến lược kinh doanh do đại dịch COVID-19. Ngoài việc giải ngân toàn bộ vốn đầu tư đã được phê duyệt, hằng năm chúng tôi vẫn duy trì đầu tư bổ sung hàng trăm triệu USD nhằm mục tiêu ổn định vận hành nhà máy, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm".
Tính đến hết năm 2021, tổng vốn đầu tư lũy kế của Samsung Việt Nam là 18 tỉ USD, vượt 102% so với vốn đầu tư được phê duyệt vào năm 2020 là 17,7 tỉ USD.
Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới của Samsung đặt tại Hà Nội sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022 như cam kết với Chính phủ Việt Nam, qua đó tăng số lượng kỹ sư công nghệ từ 2.200 cán bộ ở thời điểm hiện tại lên 3.000 và sẽ tập trung nghiên cứu những xu hướng công nghệ mới của thế giới như AI, big data, IoT...
Về việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của Samsung, COVID-19 có làm gián đoạn hay không? Tổng giám đốc tổ hợp Samsung tại Việt Nam cho hay các hoạt động kết nối doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung được tổ chức thường niên, cũng như triển khai các dự án hỗ trợ áp dụng và mở rộng mô hình nhà máy thông minh.
Kết quả, số lượng doanh nghiệp Việt Nam là các cung ứng cấp 1 và cấp 2 của Samsung đã có sự gia tăng mạnh mẽ. "Tính đến hết năm 2021, chúng tôi đã có 254 doanh nghiệp Việt Nam cấp 1 và cấp 2" - ông Choi Joo Ho nói và cho biết từ năm 2015, hãng này đã phối hợp với Bộ Công thương triển khai chương trình tư vấn cải tiến năng suất và chất lượng của các doanh nghiệp.
Đến nay đã có 368 tư vấn viên người Việt được đào tạo, giúp doanh nghiệp tham gia chương trình tư vấn, cải tiến năng suất và chất lượng. 322 doanh nghiệp cũng được tư vấn, giúp nâng cao năng suất trung bình tăng 30%, có đơn vị tăng đến 90%.
Dù chịu tác động lớn khi nhiều nhà máy nằm trong khu vực phong tỏa, song Samsung năm 2021 vẫn tăng tới 8,5 tỉ USD xuất khẩu, góp tới 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
NGỌC AN
Nhiều lý do khiến Việt Nam thu hút doanh nghiệp lớn
Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng không ít doanh nghiệp FDI ở Việt Nam đã tăng mạnh quy mô để đáp ứng nhu cầu đặt hàng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất, gia công giày cho hầu hết các thương hiệu giày lớn trên thế giới, trong đó có Nike và Adidas, cho biết do đơn hàng dồn sang nhiều, doanh nghiệp này trong 5 năm qua đã xây thêm 3 nhà máy lớn ở Bình Phước, Đồng Nai và hiện cũng đang xây thêm một nhà máy tại Đồng Nai.
"Cơ cấu nhân sự cho một nhà máy sản xuất mới đi vào hoạt động phải lên đến vài chục ngàn công nhân, riêng cụm các nhà máy của chúng tôi ở TP.HCM đã lên đến hơn 50.000 công nhân, nhân sự lớn như vậy để đáp ứng lượng đơn hàng rất lớn, tăng liên tục trong nhiều năm qua" - vị này cho hay.
Công nhân làm việc tại Công ty PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo lãnh đạo doanh nghiệp trên, có 2 lý do khiến các đơn hàng sản xuất, gia công trong ngành giày dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam trong những năm gần đây. Cụ thể, vị này cho hay thuế nói chung ở Trung Quốc tăng cao hơn Việt Nam. Thứ hai là giá nhân công ở các tỉnh thành trong nước đều rẻ hơn Trung Quốc.
Phân tích thêm về giá nhân công, vị lãnh đạo doanh nghiệp cho hay giá nhân công ở Việt Nam hiện rẻ gấp 3 lần so với các nước khác, chi phí nhân công trong nhiều năm qua không tăng lên bao nhiêu, trong khi ở các nước như Trung Quốc giá nhân công cao và kèm theo các điều kiện khác ngặt nghèo.
Trong đó, mỗi công nhân khi làm trong công ty ở Trung Quốc phải có một căn hộ nhỏ để cho cha mẹ hoặc vợ con sinh sống, điều này khiến chi phí cho nhân công sẽ đội lên, ràng buộc nhiều thêm đối với người sử dụng lao động.
Trong khi đó, ở Việt Nam chỉ dừng lại ở lương thưởng và một số phúc lợi cơ bản. Chính vì những yếu tố trên, các công ty lớn chuyên về gia công đã dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Ông John Campbell (Savills Việt Nam) phân tích thêm nguyên nhân: 2 thập niên qua, nhờ tốc độ tăng trưởng ổn định, nền kinh tế đi theo hướng xuất khẩu, sự gia tăng của các hiệp định thương mại tự do (FTA), lực lượng lao động trẻ, các chính sách ưu đãi đầu tư cùng với vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất thu hút được sự chú ý nhiều nhất trong khu vực châu Á.
N.HIỂN
Việt Nam - nhà xuất khẩu lớn về dệt may, hàng điện tử, giày dép...
"VN trở thành nhà xuất khẩu lớn về hàng dệt may, hàng điện tử, giày dép và các mặt hàng khác. 1/10 số điện thoại thông minh trên thế giới được sản xuất tại Việt Nam" - Ngân hàng ANZ của Úc cho biết trong một báo cáo.
Theo kênh CNBC (Mỹ), từ một nước nghèo, trong hơn 3 thập niên qua, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trung tâm sản xuất, thu hút nhiều công ty đa quốc gia lớn như Intel, Samsung, Adidas và Nike.
Tháng 12-2021, truyền thông quốc tế đưa tin Tập đoàn LEGO của Đan Mạch sẽ đầu tư hơn 1 tỉ USD xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của họ ở Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở châu Á và giúp chuỗi cung ứng của nhà sản xuất đồ chơi nổi tiếng này trở nên linh hoạt hơn sau một loạt cú sốc từ COVID-19.
"Khoản đầu tư của LEGO sẽ là tin vui đối với Việt Nam - nơi các nhà xuất khẩu nước ngoài là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những năm gần đây Việt Nam đã định vị họ trong mắt các nhà đầu tư quốc tế là một địa điểm sản xuất chi phí thấp hơn thay thế Trung Quốc" - báo Financial Times (Anh) bình luận vào tháng 12-2021.
BÌNH AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận