TTCT số 21 và 22 đặt ra vấn đề thực hiện “di chúc y khoa” ở VN. Đây là vấn đề thiết thân với nhiều người và liên quan mật thiết đến vấn đề hiến và ghép tạng. Nhưng nguồn tạng để thực hiện lại đang gặp nhiều “vấn đề” ở VN. Ở VN nhiều người sẵn sàng hiến tạng cứu người, nhưng thủ tục và cách làm cần được cải tiến - Ảnh: brevia.hcura.org Ở Mỹ, qua tuổi thành niên, khi làm di chúc y khoa, bạn được hướng dẫn chi tiết về việc cho, tặng tạng và mô của mình sau khi chết. Mỗi khi nằm viện, các bác sĩ phải xem lại di chúc y khoa của bệnh nhân để tuân theo các ước nguyện của họ. Nếu có tai nạn trên đường, nhân viên cảnh sát hay cấp cứu đều có ý thức về ước nguyện cho tạng của nạn nhân và dễ dàng truy cập những cơ quan liên quan để tiến hành thủ tục. Nói cách khác, việc hiến tạng cần nguồn lực tổng hợp của các cơ quan giao thông, y tế, tài chính, giáo dục... Ở VN hiện nay, vấn đề hiến tạng dường như là chuyện cá nhân của những người cần tạng và các bác sĩ ghép tạng. Hầu hết bệnh nhân muốn ghép tạng phải... chạy vạy để tìm nguồn tương hợp cho mình. Vấn đề quản lý người hiến tạng Chúng ta đã có mặt bằng pháp lý quy định rất cụ thể về các hoạt động liên quan đến hiến, ghép mô và tạng. Trung tâm điều phối quốc gia về ghép tạng đã được thành lập tại Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Tuy nhiên, việc quản lý cho/ghép tạng không chỉ đòi hỏi sự kết nối giữa hai trung tâm mà cần quan hệ chặt chẽ đến đầu ra (13 trung tâm có thể ghép) và đầu vào (tất cả cơ sở y tế, bao gồm bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc), các đội cấp cứu lưu động, các đơn vị cảnh sát. Đến nay, việc ghép tạng của ta chủ yếu dựa trên người sống nên những vấn đề liên quan đến đầu vào còn chưa được xem trọng đúng mức. Nếu việc cho, hiến tạng từ người chết và các tai nạn được tăng cường, việc quản lý người cho tạng từ những phút đầu tiên cực kỳ quan trọng. Vì tính chất nhân đạo cũng như để hạn chế sự dính líu của bác sĩ/bệnh viện vào quy trình lựa chọn người nhận, việc này thường được thực hiện qua các tổ chức phi lợi nhuận. Hình thức quản lý này hiệu quả và đáng tin cậy, nhưng đáng tiếc hiện nay chưa có ở ta. Lòng tin vào ngành Y tế Một thực tế khó phủ nhận là thân nhân người hiến tạng thường “lăn tăn”: thay vì chỉ cần đưa người thân của mình về an táng, việc giao phó thi thể cho những người không quen biết, việc di chuyển thi thể trở qua phòng mổ, phòng lạnh, thêm nhiều thời gian, phải làm thêm nhiều thủ tục giấy tờ và có khả năng phải tốn thêm chi phí. Lo mất mát, sợ tốn kém, ngại phiền hà là tâm lý chung và không ngạc nhiên nếu phần lớn sẽ chọn giải pháp an toàn là yêu cầu bỏ qua việc cho tạng để đưa xác về ngay. Để khắc phục trở ngại này cần phải minh bạch toàn bộ quy trình với các bộ phận, cá nhân liên quan, các chi tiết về thời gian, chi phí và phải thể hiện được sự tôn trọng đối với thi thể cũng như các ý nguyện của gia đình về việc mai táng và cúng viếng. Bản chất của việc cho, hiến tạng xuất phát từ lòng nhân đạo và không vụ lợi. Vì thế, tất cả yếu tố liên quan đến tiền bạc và tư lợi đều phải được loại trừ. Thân nhân của nạn nhân khó có thể chấp nhận việc hi sinh một phần thân thể của người thân để đem lại lợi ích cá nhân cho một vài người trong hệ thống y tế. Vì thế, vai trò của những tổ chức phi lợi nhuận hoặc các tổ chức nhân đạo và các nguồn tạo quỹ hỗ trợ là rất lớn trong việc đảm bảo với gia đình sự hi sinh của người thân họ sẽ không bị lợi dụng. Quan niệm “chết toàn thây” là một trong nhiều lý do khiến người Việt e dè trước việc cho, hiến tạng. Tuy nhiên, những thăm dò gần đây trong giới trẻ đã cho thấy xu hướng cởi mở hơn đối với việc cho, hiến tạng. Vấn đề là các quy phạm pháp luật thay vì giúp đỡ lại đang phần nào gây khó khăn hoạt động cho ghép tạng. Trước hết là sự phức tạp trong xác định một người bệnh chết não đã dẫn đến việc e dè trong đề xuất lấy tạng ở các đối tượng này. Sự mâu thuẫn trong việc lấy tạng ở những bệnh nhân tai nạn giao thông do có vai trò của yếu tố hình sự và các quy định trong điều tra của công an. Câu chuyện “phép vua thua lệ làng” còn thể hiện ở chỗ dù một cá nhân đã đồng ý cho, hiến tạng với các văn bản chính thức, nhưng nếu gia đình nạn nhân không đồng ý việc này, các bác sĩ vẫn phải tự giác rút lui. Thay lời kết Một trong những ray rứt của người làm ngành là phải thấy bệnh nhân tuột khỏi tay mình vì những lý do không phải chuyên môn. Ngành ghép tạng của ta vẫn còn non trẻ, nhưng chắc chắn có thể làm nên nhiều điều kỳ diệu nếu được sự hỗ trợ của mỗi con người và của toàn xã hội. Ai cũng có lý do riêng để muốn trở thành hay từ chối là một người hiến tặng, điều chúng ta nên làm là tạo nên những cơ hội, xây dựng các nhận thức và truyền đi những niềm tin. Tags: Hiến tặng
Tình báo Ukraine: Triều Tiên gửi 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga UYÊN PHƯƠNG 26/11/2024 Cơ quan Tình báo quốc phòng Ukraine (DIU) cáo buộc Triều Tiên gửi 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) cho Nga.
Khởi tố, bắt 4 bị can gồm 2 giám đốc trong vụ án nhận hối lộ ở Nha Trang PHAN SÔNG NGÂN 26/11/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can liên quan việc đấu thầu thi công các dự án do Công ty TNHH Dũng Lợi thực hiện trên địa bàn TP Nha Trang.
Sửa thuế thu nhập cá nhân lạc hậu: Phải chờ đến... 2026! LÊ THANH 26/11/2024 Phải có quy định cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được trừ lãi vay mua nhà, tiền học, khám chữa bệnh của người nộp thuế và của con cái họ.
Nhận hối lộ gần 6 tỉ, luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với cựu vụ phó Anh Tuấn TUYẾT MAI 26/11/2024 Sáng 26-11, phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan. Bào chữa cho ông Hoàng Anh Tuấn (cựu vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với ông Tuấn.