09/08/2020 09:22 GMT+7

Đề văn THPT 2020: Đất nước và 'trân trọng cuộc sống mỗi ngày'

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TTO - Đề thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay ra bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, còn câu nghị luận yêu cầu viết về trân trọng cuộc sống mỗi ngày. Cả thí sinh lẫn giáo viên nói đề dễ.

Đề văn THPT 2020: Đất nước và trân trọng cuộc sống mỗi ngày - Ảnh 1.

Thí sinh Phương Thảo (điểm thi THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội) và mẹ "ăn mừng" hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên - Ảnh: CHU HÀ LINH

9h35, các thí sinh hoàn thành bài thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Phần làm văn năm nay yêu cầu thí sinh viết về sự cần thiết trân trọng cuộc sống mỗi ngày, và phân tích tư tưởng "đất nước của nhân dân" trong bài Đất nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm.

Đề văn THPT 2020: Đất nước và trân trọng cuộc sống mỗi ngày - Ảnh 2.

Ảnh: DOÃN HÒA

Giáo viên nhận định: Đề dễ, khó phân loại thí sinh

Theo nhiều giáo viên dạy văn lớp 12 ở TP.HCM, đề năm nay dễ hơn năm trước và khó phân loại thí sinh.

Thầy Nguyễn Văn Cải, giáo viên môn văn, phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, TP.HCM, cho biết: "Đề năm nay thuộc dạng vừa sức thí sinh, nội dung của đề nằm trong phần trọng tâm, trọng điểm của chương trình THPT, đặc biệt là lớp 12. Phần đọc - hiểu cũng tương đối dễ, câu hỏi rất rõ ràng. Những thí sinh có học bài là có thể lấy được 3 điểm ở phần này.

Bên cạnh đó, đề cũng có 2 câu khá hay: đó là câu 4 của phần đọc - hiểu và câu nghị luận xã hội. Việc yêu cầu thí sinh  viết về vấn đề "trân trọng cuộc sống mỗi ngày" vừa mang tính định hướng, giáo dục lối sống cho giới trẻ, vừa kiểm tra được khả năng viết văn của học sinh".

Tuy nhiên, ông Cải cho rằng: "Câu hỏi phần nghị luận văn học thuộc dạng an toàn, chưa đáp ứng được mong đợi của nhiều giáo viên là sẽ mới mẻ hơn, đòi hỏi thí sinh phải tư duy nhiều hơn. Nhìn chung, đề thi năm nay đạt được mục đích xét tốt nghiệp THPT cho thí sinh. Nhưng việc phân loại thí sinh thì khó đạt được".

Theo giáo viên Hồ Hoài Khanh, tổ trưởng tổ văn Trường THPT Đông Đô TP.HCM, đề thi năm nay đúng như cấu trúc và đề minh họa của bộ. Những năm trước giữa đề minh họa và chính thức có độ lệch nhất định.

Đề năm nay có phần dễ thở so với các năm trước. Trong đó, phần đọc hiểu và nghị luận xã hội  với các nội dung đọc hiểu, nhận biết, vận dung thấp, vận dụng cao nhưng quen thuộc và không quá khó. Do đó thí sinh không khó để lấy điểm phần này.

Phần phân loại nằm ở nghị luận văn học. Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm không phải là bài quá khó nhưng cái khó nằm ở chỗ cách chọn nội dung ra đề. Những câu thơ trong đề nằm ở cuối đoạn trích trong chương trình với chủ đề nhân dân làm nên đất nước.

Năm nay dịch COVID-19, hình ảnh nổi trội nhất là hình ảnh đất nước, nhân dân kiên cường chống dịch. Vì thế rất nhiều người đoán đề sẽ ra bài Đất nước và đúng là đề ra như vậy. Tuy nhiên, với một đoạn trích dài 90 câu, không ít giáo viên chọn dạy kỹ phần đầu với chủ đề Đất nước của nhân dân. Phần sau chủ đề nhân dân làm nên đất nước thường được dạy lướt qua. Do đó, dù đoán được đề và ôn bài này nhưng nếu không ôn trọn vẹn, không tập trung vào chủ đề phía sau sẽ gặp khó khăn.

Đề ngữ văn không khó nhưng dài

Cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, giáo viên của hệ thống HOCMAI, cho rằng đề ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm nay không khó nhưng dài, nhất là câu nghị luận văn học chiếm quỹ thời gian nhiều nhất.

Vì thế nếu học sinh không phân bổ thời gian hợp lý sẽ có thể không đủ thời gian làm bài.

Câu nghị luận xã hội vẫn yêu cầu học sinh nghị luận về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ phần Đọc hiểu đó là "sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày" - "sự cần thiết" được hiểu là ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của ý thức "trân trọng cuộc sống mỗi ngày".

"Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội đảm bảo đúng "form", cấu trúc, dung lượng mà học sinh ôn luyện, phù hợp với thời lượng và quỹ điểm; khía cạnh của vấn đề nghị luận cũng hướng tới một trong những điều quan trọng của cuộc sống mỗi cá nhân. Tuy nhiên, đây là một vấn đề ít nhiều còn trừu tượng với những học trò 18 tuổi - chưa đủ trải nghiệm để có thể thấu hiểu ý nghĩa của mỗi giây phút được sống trong cuộc đời, vì thế rất có thể sẽ có những bài làm chung chung, lý thuyết và thiếu sự thiết thực thấm thía nhất với mỗi học trò"- cô Tuyết nhận xét.

Trong khi đó theo cô Tuyết, câu đọc hiểu 3 điểm, nhiều thí sinh có thể đạt được điểm tối đa. Trong câu này chỉ có câu hỏi nhỏ thứ 4 là ở mức độ vận dụng cao yêu cầu học sinh phải vận dụng những hiểu biết về cuộc sống xã hội cùng những trải nghiệm cá nhân để thể hiện quan điểm độc lập của mình trước một nhận định rút ra từ ngữ liệu đã cho.

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên