Đề kiểm tra lớp 11 môn Ngữ văn của trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế gây xôn xao dân mạng khi được cho rằng "phi thực tế". Được biết, nội dung tạo nên phản ứng trái chiều nằm ở câu 1 của "Phần 2: Làm Văn".
Câu hỏi 2 điểm này có nội dung như sau:
"Anh/chị sẽ chọn tấm biển nào để treo trước cửa phòng mình?
A. Đây là vùng lãnh thổ của con, bố mẹ không được vào!
B. Cửa phòng con không khóa. Bố mẹ cứ vào nhé!
C. Trước khi vào, bố mẹ nhớ gõ cửa nhé!
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) lí giải sự lựa chọn của anh/chị".
Trên một nhóm cộng đồng, đa phần các bình luận đều nhận định rằng đây là một đề văn hay, khơi gợi suy nghĩ của học trò.
Tuy nhiên, không ít tài khoản đã bày tỏ sự thất vọng hoặc cho biết đề văn này nhảm nhí, phi thực tế. Một bình luận hỏi ngược: "Nếu gia đình tôi ở nông thôn, lại chẳng có phòng riêng cho con, thì cháu sẽ viết thế nào?". Hoặc bạn Thảo Nguyên cảm thán: "Cấu trúc đề này kỳ vậy?".
Trước những ý kiến đó, rất nhiều dân mạng đã lên tiếng "bênh vực" cho đề kiểm tra giữa kỳ này.
Một bình luận nhận được hơn 700 lượt yêu thích phản biện: "Văn học gắn liền với hiện thực, nhưng nó cũng là nghệ thuật nên cần sự tưởng tượng, sáng tạo. Đề này bình thường, không đáng phải tranh cãi".
Tài khoản Bảo Phúc đưa ra ý kiến: "Hồi tiểu học, cô giáo yêu cầu tôi tả con đường em đi học. Thế nhưng, đường ở quê làm gì có đi ngang qua công viên, chợ hay đèn xanh, đèn đỏ. Còn cô giáo thì cứ yêu cầu thêm vào. Vậy đó, không có thực thì cứ tưởng tượng ra thôi".
Người dùng Llord Huỳnh cho hay: "Đây là một đề văn hay và hết sức bình thường. Chẳng có gì là quá đáng đến mức không phù hợp văn hoá ứng xử người Việt. Có chăng là đã động trúng tâm lý một số bậc phụ huynh xưa nay vốn vẫn cho rằng mình là cha là mẹ thì có quyền xen vào đời tư của con, nhất là phòng riêng. Còn nếu bạn cho rằng nhà nghèo không có phòng riêng, thì bạn có quyền tưởng tượng và đặt ra giả thuyết “nếu... thì”. Tự đặt giả thuyết, phân tích và tìm đáp án cho sự giải quyết là tư duy cần có của một học sinh và sau này là một người lớn".
Hay bạn Đen Đậm bức xúc: "Việc gì phải áp đặt bó buộc ở hiện thực? Mở rộng tư duy để phân tích, để lựa chọn. Thế bảo em học sinh tả con trâu, thì học sinh thành phố chưa gặp trâu bao giờ lại nói là 'Em không biết con trâu nên em không tả' à?".
Trước nhiều ý kiến trái chiều, thầy Ngô Đức Thức, hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng đã ghi nhận và hội ý với tổ Ngữ văn để làm rõ thêm sự việc. Riêng thầy, đây là một đề hay với tình huống giả định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận