20/02/2010 05:01 GMT+7

Để tự nhiên - cách dạy con hay nhất!

QUỲNH NHƯ
QUỲNH NHƯ

TT - Với dòng họ Lê Lã ở Bình Dương, việc duy trì gia phong thanh liêm, theo nghề y gia truyền chỉ bằng cách giáo dục “cứ để tự nhiên, rồi con cái sẽ theo...”.

JspXmXJw.jpgPhóng to
Đại gia đình ông Lê Hưng - Ảnh: Q.Như

Giữa cái chộn rộn của phố thị, gia đình ông Lê Hưng, chủ tịch Hội Laser y học ở Bình Dương, vẫn giữ được nếp nhà bình yên với ba thế hệ. Sống chung nhưng ông tôn trọng sự riêng tư của con, nên nhà của con trai được cất riêng biệt trong ngõ chung, sân vườn chung.

Nhà của toàn cử nhân, thạc sĩ

Ông làm nghề y, vợ ông - bà Vương Kim Dung - làm nghề giáo. Ông bà có hai con trai và ba con gái. Không hề ép con học thật giỏi hay chọn nghề gì, nhưng cả năm người con không hẹn mà gặp cùng theo nghề ba mẹ.

Cô con gái đầu, thạc sĩ tiếng Anh, hiện là hiệu phó Trường Võ Minh Đức. Hai cô em cũng theo nghề giáo. Con trai trưởng hiện là chánh văn phòng Sở Khoa học - công nghệ Bình Dương. Con trai út đã học xong thạc sĩ kỹ thuật laser, đang dạy ở Đại học Thủ Dầu Một.

Ông rất vui khi nói về con cái dâu rể của mình, bởi theo ông “không giàu có thành đạt gì nhưng có cái nghề hiền lương để sống”.

Dâu rể của ông lại... không hẹn mà gặp cũng là nhà giáo, kỹ sư.

Nhiều người đùa rằng ông là chủ nhà của toàn cử nhân, thạc sĩ!

Anh Lê Vương Duy, con trai trưởng của ông bà, cho biết: “Thật ra gia đình tôi vừa truyền thống vừa hiện đại. Tam đại đồng đường nhưng không gian sống tách biệt nên không có gì gò bó cả. Vợ chồng tôi đi làm dành dụm cũng mua được đất riêng, nhưng tôi muốn làm nhà trên đất vườn để được sống cùng ba mẹ. Sống chung như thế hay lắm. Đó là con tôi được ông bà dạy bảo. Có cháu chơi, học cùng ông bà cũng vui hơn. Các cháu khỏi phải lo đi học thêm ở đâu xa, khỏi mất công đưa rước. Vợ chồng tôi đi làm cũng yên tâm hơn nhiều.

Với tôi, phận làm con cháu phải nghe lời cha mẹ, ông bà. Mỗi lần mẹ phiền tôi chuyện gì, tôi ngồi yên, lắng nghe mẹ mắng. Câu duy nhất tôi hỏi là: “Mẹ đã nói xong chưa ạ?” chứ không cãi. Đó là tôi “nhắc” để mẹ nghỉ mệt, vì nóng giận quá không tốt. Mọi chuyện đúng sai gì sau này tôi mới phân minh cùng mẹ, chứ khi đó tôi nhận lỗi hết. Qua việc đó tôi cũng ngầm dạy con mình không cãi lời ba mẹ vì ba mẹ luôn muốn điều tốt đẹp nhất cho con”.

Vợ chồng ông có bốn cháu ngoại, hai cháu nội và đã có hai cháu vào đại học. Không ép buộc học hành, không chạy theo thành tích, chuyện học ở nhà ông cứ để tự nhiên! Mấy đứa cháu cũng không học thêm mà học ở nhà cùng bà nội, bà ngoại cho đến hết lớp 9.

Cách dạy của bà Dung là “chơi cho đã đi rồi học”.

Nhà có sân rộng, vườn rộng, các cháu cứ chơi thỏa thích trong khi bà làm nội trợ. Vui, khỏe thì học, mệt thì chơi hay đọc sách báo. Cháu nội của bà một lần bị mẹ (cũng là giáo viên) ép học bài quá lâu đã được bà nội kịp thời can thiệp.

Bà nói nhẹ nhàng: “Con cho cháu để dành trí khôn để nó còn học lên cấp III, đại học nữa. Chuyện học là lâu dài chứ đâu phải ngày một ngày hai mà thúc ép cháu”.

Có lẽ nhờ cách dạy không cứng nhắc này mà cháu của bà lại mê học hơn!

Theo ông bà, chọn nghề cho con chỉ là định hướng. Trong gia đình không hề có chuyện con phải học ngành này, thi ngành kia.

Yêu cầu duy nhất với con trai là dù học gì, làm gì cũng cố gắng học thêm y học dân tộc để nối nghề của tổ nghiệp, không bị thất truyền.

Tôn trọng gia phong

Ông bà có cách dạy con giữ gia phong rất hay là cứ để tự nhiên, con sẽ học theo ba mẹ mà giữ nếp nhà.

Ông luôn tự hào về ba mình là cụ Thiên Lương (1910-1999) rất giỏi kinh Dịch và suốt đời sống theo bốn chữ “tâm đức vĩnh hinh” (tạm dịch: tiếng thơm của cái đức con người mới để lại được lâu). Ông cũng tự hào về bác ruột của mình là cụ Đẩu Sơn nổi tiếng với nghề đông y có phòng mạch Phúc Mãn Đường.

Trong nhà ông không nói nhiều, không giáo điều mà chỉ nói ngắn gọn, dạy con những điều cần thiết nhất. Nhà ông có tấm bảng mà ông đúc kết 12 điều đúng để giáo dục con cháu.

Ông cho treo các bức sơn mài nói về nghề giáo, nghề y để con cái tự ý thức về nghề nghiệp, ý thức về cách làm người như: Phi trí bất hưng, Lương sư hưng quốc, Lễ nghĩa liêm sỉ. Chỉ vậy thôi và con cháu có nhiệm vụ phải làm theo.

Ông bà sống rất hạnh phúc để làm gương cho con cháu và cũng dạy con cháu không có gì quý giá bằng hạnh phúc gia đình. Ở nhà ông thường ngày mọi người ai lo việc nấy nhưng cuối tuần hay lễ, tết là cùng nhau sum họp.

Trong ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt hàng đầu với sự “kiểm duyệt” gắt gao của vợ ông. Bà được con cháu đặt biệt danh là “bà Hai Đát” bởi luôn coi hạn sử dụng, thực phẩm mua về phải tươi, ngon.

Có điều rất lạ, dù ông là người biết y lý, thông kinh Dịch, từng có sách viết về những vấn đề này nhưng ông bà tuyệt đối không coi tuổi dựng vợ gả chồng cho con, không chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới. Với ông: “Cứ thứ bảy, chủ nhật mà cưới hỏi bởi đó là ngày rảnh rỗi”.

Ông còn nói: “Năm nay năm Canh Dần nên không ai muốn sinh con gái vì sợ khó gả chồng. Nếu hiểu vô lý như thế sẽ kéo theo nguy cơ tăng tỉ lệ con trai lên nữa khi mà tỉ lệ này hiện đã nghiêng hẳn về nam giới! Theo tôi, một đôi uyên ương định xây tổ ấm với nhau thì tuổi tác không quan trọng. Tình yêu làm nền tảng. Nặng chuyện tuổi tác làm gì”.

Riêng ông, người vợ luôn bên ông lúc nào cũng được ông tôn trọng, yêu thương. Đến nỗi sách ông viết, xuất bản khi nào tác giả cũng là Lê HưngVKD (tên viết tắt của vợ) bởi theo ông, không có vợ, ông không làm gì được để có gia đình đầm ấm, nề nếp như ngày hôm nay.

QUỲNH NHƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên