Vai trò dẫn dắt của tổ chức Đoàn và Hội ra sao trước yêu cầu ấy là câu hỏi lớn được đặt ra từ cột mốc kỷ niệm 30 năm các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè mới đây.
Tận dụng chuyên môn, tính sáng tạo
Có khá nhiều vấn đề của TP đang đặt ra mà hoạt động tình nguyện cần suy nghĩ.
Câu chuyện môi trường, giao thông, cải cách hành chính hay chuyển đổi số, hội nhập quốc tế là vấn đề mới nhất hiện nay.
Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM Trần Thu Hà cho rằng những câu chuyện mới này cũng đặt ra yêu cầu về nội dung, phương thức tình nguyện cần làm mới.
Sẽ không thể mãi dùng sức như trước đây, tình nguyện hôm nay đòi hỏi tính chuyên môn, sự sáng tạo của sinh viên cao hơn nữa. Hội vẫn ở vai trò định hướng, dẫn dắt hoạt động tình nguyện mà theo một khảo sát thực hiện trước Đại hội VII lần này, phần lớn sinh viên rất mong muốn được đóng góp, làm việc có ích cho xã hội. Và lý do để các bạn đến với hoạt động Hội Sinh viên vì nhìn thấy mình có thể cùng góp sức trong một số hoạt động hữu ích cho xã hội.
Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra trong ngày 4 và sáng 5-11, tại khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM (TP Thủ Đức).
Chị Trần Thu Hà nói nhiệm vụ của Hội là giúp sinh viên thấy được giá trị đóng góp của mình cho xã hội thông qua hoạt động tình nguyện. Bởi tinh thần tình nguyện, sự dấn thân luôn có trong mỗi sinh viên nói riêng, người trẻ nói chung.
"Chúng tôi luôn nỗ lực để sinh viên chọn Hội Sinh viên, phong trào tình nguyện như là nơi trao gửi niềm tin, thỏa khát khao cống hiến phục vụ cộng đồng. Để hành trình sinh viên sẽ là hành trình chia sẻ, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành của mỗi bạn", chị Hà bày tỏ.
Gắn liền xu hướng, thị hiếu người trẻ
Sinh viên Võ Lập Phúc (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng Hội Sinh viên đã tạo được môi trường giúp sinh viên thể hiện tính tiên phong, rõ nhất khi dịch COVID-19 bùng phát. Nhiều sinh viên đã tình nguyện tham gia, chia sẻ với các lực lượng chống dịch dù biết có thể sẽ nguy hiểm.
Nhưng Lập Phúc nói cái được lớn hơn là gắn kết chuyên môn của sinh viên vào các nội dung, hoạt động tình nguyện. "Đây là cách hay, hiệu quả để các bạn thấy được tính hữu dụng khi vận dụng chuyên môn, kiến thức được học vào thực tiễn ngay khi còn chưa ra trường. Bởi mỗi người trẻ đều có nhu cầu chứng minh bản thân, thông qua tình nguyện, họ được thể hiện một phần điều đó", Phúc nói.
Vì vậy, Lập Phúc kỳ vọng các chương trình, nội dung tình nguyện sắp tới cần chuyên sâu hơn nữa. Làm sao tạo ra được nhiều không gian, cơ hội mà ở đó sinh viên có thể tận dụng chuyên môn, áp dụng kiến thức vào từng công trình, hoạt động cụ thể.
Song song đó, thế hệ sinh viên gen Z đang là chủ đạo nên càng cần có chương trình tình nguyện gắn liền với xu hướng và thị hiếu người trẻ. Theo Phúc, hoạt động tình nguyện không thể tách rời đời sống. Do đó, đòi hỏi phải thích nghi với tư duy, nhịp sống của sinh viên.
Sinh viên Lê Nhật Tường (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) nói hoạt động sinh viên TP.HCM vừa đi qua một nhiệm kỳ đầy thử thách. Đại dịch COVID-19 khiến cho mọi thứ gần như đảo lộn, trong đó có hoạt động tình nguyện. Dù phải thay đổi cả hình thức lẫn nội dung để thích ứng với điều kiện thực tế nhưng tình nguyện đã đạt những hiệu quả nhất định, đảm bảo chất lượng hoạt động, đồng thời mở rộng quy mô và phương thức tập hợp sinh viên tham gia.
Do vậy, Nhật Tường hy vọng các nội dung, chương trình tình nguyện sắp tới không chỉ phát triển mạnh mẽ mà cho thấy tính sáng tạo nhiều hơn nữa. Đặc biệt, sẽ có các dự án, chương trình tình nguyện xuất phát từ những đặt hàng từ thực tế cuộc sống để sinh viên cùng góp phần giải quyết, thúc đẩy sự phát triển của các vấn đề xã hội đang đặt ra.
"Tôi rất mong có một mạng lưới kết nối những người chung sở thích, sứ mệnh tình nguyện lại cùng nhau. Điều này sẽ giúp tạo thành một khối có sức mạnh, có chuyên môn, chuyên nghiệp hơn và cùng chia sẻ mối quan tâm cũng như giải quyết các vấn đề về tình nguyện", Tường nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận