Để tiền mua được hạnh phúc!

BS NGUYỄN THÀNH TÂM 03/01/2012 21:01 GMT+7

TTCT - Vào dịp đầu năm, người ta thường chúc nhau phát tài và hạnh phúc, song nếu hỏi liệu tiền có mang lại hạnh phúc thì câu trả lời nhận được chắc là một cái nhíu mày!

Hạnh phúc gắn liền với sức khỏe, như Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa rằng sức khỏe gồm có sự thoải mái cả về thể xác, tâm thần và xã hội, chứ không phải chỉ là không có bệnh.

Phóng to

Hãy cho sẽ thấy hạnh phúc hơn. Bằng chứng là bạn luôn thấy sung sướng, hạnh phúc khi lì xì ngày đầu năm - Ảnh: L.N.M.

Chi cho người sẽ hạnh phúc hơn

Quả tình hầu hết nghiên cứu đều cho thấy thu nhập có ảnh hưởng yếu đến hạnh phúc. Đến năm 2008, một nhóm các nhà khoa học thuộc khoa tâm lý Đại học British Columbia (Canada) và khoa kinh tế Đại học Harvard (Mỹ) quyết định nghiên cứu vấn đề theo hướng khác. Có 632 người Mỹ được khảo sát về cách sử dụng tiền theo hai hướng là sử dụng cho bản thân (chi tiêu thiết yếu hằng ngày, mua sắm cho bản thân) và cho người khác (mua quà tặng, làm từ thiện), rồi sau đó tự đánh giá về cảm giác hạnh phúc.

Kết quả thật bất ngờ: việc chi tiêu cho bản thân chẳng có liên quan gì đến hạnh phúc, còn chi tiêu cho người khác lại liên quan có ý nghĩa thống kê đến hạnh phúc! Các nhà nghiên cứu kết luận đây là bằng chứng ban đầu cho thấy cách tiêu tiền có thể cũng quan trọng như số lượng tiền kiếm được trên con đường tìm đến hạnh phúc.

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu không vội vàng, họ làm một nghiên cứu nhỏ để củng cố kết quả trên. Họ cho 16 người nhận một món tiền thưởng bất ngờ, khoảng hai tháng sau khảo sát lại xem họ hạnh phúc tới đâu. Điều tương tự được ghi nhận: chi tiêu cho người khác là yếu tố duy nhất liên quan có ý nghĩa đến cảm giác hạnh phúc, và cảm giác này không liên quan gì đến số lượng tiền thưởng nhiều hay ít! Thật thú vị.

Ấy thế mà các tác giả vẫn chưa thỏa mãn, họ thiết kế một cách khảo sát khác cho... chắc ăn. Họ chọn ra 46 người, yêu cầu đánh giá mức độ hạnh phúc vào buổi sáng, sau đó trao cho mỗi người một phong bì chứa 5 đôla hoặc 20 đôla, rồi phân bố họ ngẫu nhiên vào nhóm sử dụng tiền cho bản thân hoặc cho người khác, yêu cầu dùng hết số tiền đó trước 5 giờ chiều và cho biết mức độ hạnh phúc. Kết quả của lần này thật đáng thuyết phục: nhóm sử dụng tiền cho người khác hạnh phúc hơn nhóm dùng tiền cho bản thân, bất kể họ nhận được 5 đôla hay 20 đôla!

Sâu sắc “có giá” hơn hời hợt

Đến năm 2011, nhóm nghiên cứu quyết định đào sâu vấn đề trên với câu hỏi tự đặt ra là tiêu tiền cho ai thì hạnh phúc hơn. Họ phân loại các mối quan hệ xã hội thành hai nhóm là quan hệ chặt chẽ (người thân trong gia đình, người yêu, bạn thân) và lỏng lẻo (người quen, đồng nghiệp, bạn học...). Có người sẽ nói rằng câu hỏi này thật ngờ nghệch, vì lẽ đương nhiên tiêu tiền cho người thân thì tốt đẹp hơn. Trực giác là vậy, nhưng thật ra trực giác này không chắc còn đúng trong bối cảnh ngày nay khi các mối quan hệ xã hội ngày càng mở rộng, phức tạp mà các mạng xã hội trên Internet là một ví dụ.

Cuối cùng, kết quả cho thấy những người tiêu tiền cho các mối quan hệ chặt chẽ cảm thấy hạnh phúc hơn những người chi phí cho các mối quan hệ lỏng lẻo. Kết quả này hẳn làm hài lòng mọi người, thế nhưng điều hấp dẫn không dừng lại ở đây. Phân tích sâu hơn lại cho thấy mức độ hạnh phúc liên quan đến mức độ gần gũi của mối quan hệ nhiều hơn là loại quan hệ. Nghĩa là một mối quan hệ bạn bè nhưng sâu sắc còn quan trọng hơn một mối quan hệ gia đình mà hời hợt.

Thông điệp của hai nghiên cứu trên đến đây có lẽ đã tương đối rõ: tiền vẫn có thể mang lại hạnh phúc bằng cách được đầu tư... cho người khác hơn cho bản thân, và nên ưu tiên cho các mối quan hệ gần gũi. Dù vậy, điều đáng suy nghĩ hơn chính là một phát hiện khác của nghiên cứu thứ nhất mà người viết muốn nêu ra để kết thúc bài này cho mọi người cùng chiêm nghiệm.

Số là sau khi nghiên cứu năm 2008 hé lộ kết quả như đã nói ở trên, các nhà nghiên cứu tiết lộ một “sự thật phũ phàng” là trong nghiên cứu của họ, số người chi tiền cho bản thân đông hơn số người chi tiền cho người khác. Họ bèn... cắc cớ đi khảo sát trên 109 người và thấy số lượng người cho rằng tiêu tiền cho bản thân sẽ đem lại hạnh phúc nhiều gấp đôi số người nghĩ rằng tiêu tiền cho người khác mang đến hạnh phúc!

Các tác giả kết luận rằng sự ngộ nhận này, quả thật, cần được... can thiệp ngõ hầu có nhiều hạnh phúc hơn trong người dân.

__________

Tài liệu tham khảo: Dunn EW, Aknin LB, Norton MI. Spending money on others promotes happiness. Science. 2008 Mar 21;319(5870):1687-8.
Aknin LB, Sandstrom GM, Dunn EW, Norton MI. It’s the recipient that counts: spending money on strong social ties leads to greater happiness than spending on weak social ties. PLoS One. 2011 Feb 10;6(2):e17018.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận