Trẻ em dân tộc thiểu số dễ bỏ học do tham gia sớm vào các hoạt động kinh tế, hỗ trợ công việc trong gia đình, tảo hôn hoặc khoảng cách từ nhà đến trường xa - Ảnh: ĐỨC HIỆP
Báo cáo do Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Khoa học lao động và xã hội, Ủy ban Dân tộc, Đại sứ quán Ireland thực hiện.
Bà Elisa Fernandez Saenz - trưởng đại diện UN Women Việt Nam - khẳng định: "Các vấn đề bình đẳng giới đan xen với các yếu tố dân tộc thường khó giải quyết và đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện cũng như cần những cam kết đầu tư nguồn lực tài chính trong những năm tới".
Vào năm 2020, tỉ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) biết chữ đạt 90%. Đây là kết quả đáng ghi nhận khi vùng DTTS và miền núi chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên cả nước và là nơi cư trú của 53 DTTS với 14,12 triệu người (chiếm 14,7% tổng dân số).
Tuy nhiên, bà Elisa cũng chỉ ra rằng việc tiếp cận giáo dục có chất lượng tiếp tục là thách thức với trẻ em DTTS. Chẳng hạn, tỉ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em ở các vùng DTTS và miền núi chênh lệch lớn so với trẻ em cả nước tới 32,3% (cả nước đạt 88,5%).
Ngoài ra, quãng đường trung bình đến trường trẻ em DTTS còn xa, trung bình gần 11km. Thực tế, giao thông trên những cung đường miền núi có nhiều yếu tố nguy hiểm, có thể đe dọa an toàn đối với phụ nữ và trẻ em gái như buôn bán người, xâm hại, cướp bóc. Ngoài ra, trường học nhiều nơi còn là phòng tạm, thiếu phòng chức năng, thiếu công trình vệ sinh…
Càng lên bậc học cao hơn, trẻ em DTTS càng phải vượt quãng đường xa hơn - Nguồn: Tổng cục Thống kê
Khoảng cách đến trường THPT của nhiều học sinh DTTS - Nguồn: Tổng cục Thống kê
Dịch COVID-19 cũng làm gia tăng khoảng cách bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục trực tuyến khi hơn 21 triệu học sinh Việt Nam chuyển sang học trực tuyến. Nhiều khó khăn được nêu ra như chi phí giáo dục cho trẻ em DTTS tăng thêm do yêu cầu thiết bị kết nối Internet (điện thoại, laptop…); thiếu chương trình giảng dạy online bằng tiếng dân tộc; khoảng 93% giáo viên vùng dân tộc thiểu số không sử dụng công cụ "giáo dục số" (nghiên cứu của UNICEF)…
Bà Elisa khuyến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho trẻ em dân tộc thiểu số tiếp cận công nghệ và phương pháp giáo dục trực tuyến bình đẳng; đầu tư nâng cao năng lực giáo viên; rút ngắn rào cản ngôn ngữ; có chính sách nhạy cảm giới trong giáo dục…
Việc học khi trở thành rào cản sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, thu nhập bình quân của người DTTS năm 2018 là hơn 2 triệu đồng/người/tháng, chưa đầy 50% thu nhập bình quân của cả nước là trên 4,15 triệu đồng/người/tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận