Đa số HS được hỏi cho biết phải tận dụng hết thời gian 120 phút mới hoàn thành được bài thi vì đề khá lạ và dài. Một số HS than vì không làm kịp thời gian.
Thí sinh đang xem danh sách phòng thi trong buổi thi đầu tiên tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
TP.HCM: Đề bài này, HS không "tủ" được
HS Minh Hiếu, HS Trường THCS Trương Công Định nhận xét: “Với đề này thì không có HS nào học tủ được cả. Câu 1 và câu 2 đều là câu nghị luận xã hội nên HS phải đọc kỹ đề để không bị sót ý đồng thời vận dụng kiến thức tổng hợp để làm bài. Câu 3 thì bọn em đã được làm một số dạng đề tương tự, hầu hết các bạn chọn liên hệ câu này với tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ, câu này không làm khó HS”.
Trong khi đó, nhóm HS trường THCS Hà Huy Tập, Bình Thạnh cho biết đề không quá khó nhưng bất ngờ và HS khá cũng chỉ có thể đạt điểm 6-7, khó dành được điểm cao do câu 1 và câu 2 đòi hỏi mất nhiều thời gian làm bài.
HS Mai Hương cho biết: “Đề về hát Quốc ca theo em là khá thú vị và lạ lẫm, nhưng phải là HS có năng khiếu về văn và hiểu biết xã hội mới làm trọn vẹn câu này. Đề thi vô cảm không quá lạ nhưng “vô cảm ngay trong chính gia đình mình” thì HS phải cụ thể hóa và đưa nhiều dẫn chứng mới có được bài viết hấp dẫn”.
Tại hội đồng thi Trường THCS Đồng Khởi, Q.Tân Phú, từ 6g sáng, khá đông thí sinh và phụ huynh đã có mặt. Tuy nhiên vẫn còn một số thí sinh đến trễ hoặc quên mang theo phiếu dự thi, thẻ học sinh.
Phụ huynh Nguyễn Văn Thắng, Q.11 cho biết: “Hai ba con thức dậy từ sớm để chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để đến phòng thi nhằm giúp cháu có được trạng thái tâm lý tốt nhất”.
Em Ngô Mỹ Uyên, Trường THCS Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú: “Đề thi khá dễ, trong đó câu 1 khá dài, gồm 4 ý nói về việc hát quốc ca. Em rất thích câu một vì nó vừa phải có kiến thức trên báo chí cũng như những cảm xúc, trải nghiệm của bản thân. Nó mang tính thời sự và khơi gợi lòng tự hào cao”.
Thí sinh kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Q5, TP.HCM sáng 11-6 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Em Đàm Quang Thịnh, học sinh lớp 9 Trường THCS Hùng Vương, Q.Tân Phú, bày tỏ: “Em thấy đề thi nhìn chung không khó, sát với nội dung ôn tập của thầy cô. Câu 2 nói về suy nghĩ của bản thân về việc sống vô cảm của một số bạn trẻ ngay trong chính gia đình mình. Em thấy khá hay, gắn liền với thực tế. Em đã lấy ví dụ từ chính bản thân mình, đôi lúc cũng còn trẻ con, vô tâm với bố mẹ mình để bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình vào bài làm.”
Em Hồ Nguyên Thảo, thí sinh thi tại hội đồng Trường THCS Đồng Khởi, Q.Tân Phú chia sẻ: “Nhìn chung đề thi dễ, câu 3 đã nằm trong trong chương trình ôn tập nên em “trúng tủ”. Câu 1 khá dài nhưng mang tính thời sự cao, em cũng làm khá ổn. Riêng câu 2 thì đòi hỏi phải có trải nghiệm thì mới viết tốt được. Em chủ yếu lấy tư liệu từ trên báo chí”.
Nhìn chung buổi thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 TP.HCM diễn ra khá suôn sẻ. Nhiều HS thở phào khi thi xong môn đầu tiên và chuẩn bị cho môn ngoại ngữ vào chiều nay 11-6.
Hà Nội: Đề Văn bàn về mối quan hệ cá nhân và tập thể
Các học sinh đang trao đổi về kiến thức môn ngữ văn trước khi bước vào phòng thi, ảnh chụp tại Hội đồng coi thi THCS Chu Văn An (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
80.000 học sinh ở Hà Nội đã hoàn thành môn thi Văn trong thời gian 120 phút.
Tại hội đồng coi thi THPT Phạm Hồng Thái, nhiều học sinh cho biết “đề thi không khó, hoàn thành bài thi trong tâm thế thoải mái”. Tương tự, tại hội đồng coi thi THPT Chu Văn An, các em học sinh cũng có nhận xét đề thi vừa sức.
“Năm nay sức cạnh tranh tăng cao với trên 30.000 học sinh sẽ bị loại khỏi khối trường công lập nên tôi hình dung đề thi sẽ khó hơn, có những câu hỏi yêu cầu cao, thậm chí đánh đố thí sinh. Vì thế, với đề Văn này không riêng tôi nhiều phụ huynh cũng đánh giá là vừa sức”, chị Hằng, một phụ huynh có con thi tại trường THPT Phạm Hồng Thái cho biết.
Cô giáo Phạm Thị Tú Anh, nguyên giáo viên dạy Văn trường THCS Đống Đa, HN nhận xét: Đề thi Văn nhìn chung vừa sức, bám sát chương trình THCS. Những văn bản được đề cập đều nằm trong số những tác phẩm đã được các thầy, cô xem là trọng tâm ôn tập kĩ. Câu hỏi nghị luận xã hội có thể nói là câu hay nhất của đề thi Văn năm nay. Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là vấn đề rất đáng quan tâm. Nhất là khi nhiều bạn trẻ bây giờ sống bàng quan, ích kỉ, vô cảm và không có ý thức tập thể, không biết chia sẻ với những người xung quanh.
Tuy nhiên, cái hay của câu hỏi này còn nằm ở chỗ nó đụng đến chủ đề của nhiều tác phẩm văn học trong chương trình THCS như “Lặng lẽ Sa Pa”, “Mùa xuân nho nhỏ”. Đặc biệt là bài “Chuẩn bị hành trang bước vào thế kỉ mới” của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã đề cập đến những ưu điểm của người Việt là sự tương thân tương ái bên cạnh những thói xấu có thể kéo lùi sự phát triển của xã hội như sự đố kị.
“Nếu học sinh nắm kĩ tác phẩm và biết cách vận dụng sự hiểu biết của tác phẩm kết hợp với hiểu biết xã hội để lý giải cho nhận định, quan điểm của mình về quan hệ giữa cá nhân và tập thể thì bài thi sẽ rất sâu sắc”, cô Tú Anh phân tích.
Tuy nhiên, phát biểu về phần bài làm nghị luận xã hội, nhiều học sinh, trong đó có học sinh dự thi chuyên ở HN đều cho biết: Tuy yêu cầu không khó, vấn đề gần gũi với sự hiểu biếu của chúng em, nhưng khó khăn nhất là tìm kiếm dẫn chứng để minh họa”
Theo sở GD-ĐT HN thì buổi thi đầu tiên diễn ra suôn sẻ, an toàn, nghiêm túc.
Đề văn gần gũi với cuộc sống
Theo cô Trần Thị Đỗ Uyên, tổ trưởng Tổ văn, Trường THCS Nguyễn An Ninh, quận 12, TPHCM, đề thi môn văn tuyển sinh vào lớp 10 ở TPHCM khá hay, có nhiều nội dung gần gũi với cuộc sống. Như câu 1 (câu đọc – hiểu) đưa ra vấn đề đang được cả nước theo dõi là Sea game, là thực trạng hát quốc ca của học sinh trong nhà trường hiện nay. Theo tôi, đây là vấn đề thiết thực với nhà trường, với bản thân học sinh. Câu 2 về nghị luận xã hội cũng tương tự như vậy, cái hay của câu hỏi này là không yêu cầu học sinh viết về tình trạng vô cảm chung chung mà giới hạn lại sự vô cảm trong chính gia đình của mình. Đề thi còn có hình vẽ minh họa cũng khá ấn tượng. Yêu cầu của câu hỏi này chính là sự cảnh báo, sự nhắc nhở các học sinh - những bạn trẻ phải biết quan tâm đến những người thân trong gia đình mình, những người thân xung quanh mình. Đừng quá vô tư, quen đón nhận tình yêu thương và sự quan tâm, chăm sóc quá đầy đủ của mọi người nên trở thành vô cảm. Câu 3 về nghị luận văn học là một câu hỏi có tính phân hóa thí sinh. Đặc biệt câu này có sự kết hợp của cách ra đề kiểu cũ và kiểu mới nên tôi đoán sẽ làm vừa lòng dư luận. Đề thi yêu cầu thí sinh phân tích 2 khổ thơ - đây là cách ra đề quen thuộc lâu nay - chắc chắn đa số thí sinh làm được vế này. Vế thứ hai yêu cầu thí sinh so sánh, mở rộng - đây là nội dung nhằm phân hóa thí sinh, nhằm tìm ra những thí sinh có khả năng cảm thụ văn chương tốt - một hình thức của việc đổi mới cách ra đề môn văn. Tóm lại, cả 3 câu hỏi đều phù hợp với tính chất của một kỳ thi tuyển sinh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận