10/08/2020 07:59 GMT+7

Đề thi văn tốt nghiệp THPT: Cho thí sinh không gian để bộc lộ cảm xúc

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Đề thi tốt nghiệp THPT 2020 môn văn không chỉ đáp ứng mục tiêu của kỳ thi mà hơn thế cho thí sinh không gian để suy nghĩ, bộc lộ cảm xúc về những gì mà mình trải nghiệm.

Đề thi văn tốt nghiệp THPT: Cho thí sinh không gian để bộc lộ cảm xúc - Ảnh 1.

Thí sinh tự tin ra về sau khi kết thúc môn văn sáng 9-8 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Những đề thi văn mang lại sự hứng khởi, thông điệp rõ ràng thường là đề thi có sự lan tỏa, tác động đến thái độ sống của lứa tuổi học trò.

Trải nghiệm thời COVID-19

Nguyễn Thị Thu Vân - thí sinh ở Q.7, TP.HCM - cho biết: "Ngay từ khi đọc câu đầu tiên trong văn bản của phần đọc - hiểu, em đã đoán được đề muốn hỏi điều gì. Vấn đề "Sống hết mình cho hiện tại" hay "Trân trọng cuộc sống mỗi ngày" đã được cô giáo chủ nhiệm lớp em đưa ra làm đề tài viết văn trong thời gian chúng em được nghỉ học vì COVID-19 hồi đầu năm 2020. Sau đó, khi đi học lại em cũng có một buổi trao đổi, thảo luận về nội dung này thêm một lần nữa".

Trong khi đó, P.Long - thí sinh ở Q.Bình Thạnh - chia sẻ mình không "trúng tủ" với câu 4 phần đọc hiểu nhưng Long tự tin: "Em có tư liệu khá dồi dào để làm bài. Đó chính là những trải nghiệm của em và gia đình em trong đợt cả nước thực hiện giãn cách xã hội để tránh dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Ba em bị giảm lương còn mẹ em thì mất việc, thu nhập của gia đình giảm sút nhưng cả nhà thấy yêu thương nhau hơn, trân trọng từng ngày được ở bên nhau, được ăn cơm cùng nhau dù chỉ là cơm rau luộc với cá khô".

Long kể em đã viết rằng: "Thái độ trân trọng cuộc sống mỗi ngày sẽ giúp con người tìm được niềm vui trong hiện tại, hài lòng với những gì đang có, phát huy hết khả năng của bản thân trong từng hoàn cảnh. Ví dụ như gia đình em trong đợt dịch bệnh vừa qua, thay vì ngồi than vãn buồn rầu thì cả nhà tận hưởng những giây phút quây quần, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, chơi cờ tướng, tập thể dục... Thế nên, sau đợt giãn cách, cả nhà em đều khỏe mạnh và mẹ em đã tìm được việc làm mới...".

Ý nghĩa thức tỉnh

Theo cô Nguyễn Kim Anh - giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), phần đọc hiểu tiếp nối đến câu hỏi nghị luận xã hội có ý nghĩa thức tỉnh những bạn trẻ sống hời hợt, sống thiếu nỗ lực cố gắng, chưa biết quý, biết yêu đời sống mà mình đang có. Và chỉ có thế thì mới sống sâu sắc và vị tha hơn.

"Tôi đánh giá đề thi này rất cao về việc cả triệu học trò tuổi 18 đang cùng được giáo dục về lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, vào đúng thời kỳ mà tình cảm với quốc gia, dân tộc với mọi người cần được nâng cao và nuôi nấng có chiều sâu hơn trong mỗi con người. Đề thi nhưng cũng là một bài học trong phòng thi gửi đến gần 1 triệu học trò" - cô Nguyễn Kim Anh nhận xét.

Còn cô Nguyễn Thị Minh Ngọc - giáo viên môn văn Trường THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM - cho rằng: "Cuộc sống luôn chứa đựng những biến cố bất ngờ. Trước những biến cố đó, con người càng cần phải trân trọng những điều nhỏ bé, bình dị, trân trọng cuộc sống mà mình đang có. Đây là ưu điểm của đề thi năm nay".

Theo đánh giá của giáo viên ở Hà Nội và TP.HCM, điểm 5 - 6 sẽ chiếm đa số, tỉ lệ điểm khá như 7 - 7,5 cũng sẽ nhiều nhưng điểm 8 trở lên sẽ ít.

Đề toán dễ, điểm 9 - 10 sẽ nhiều hơn năm ngoái

Theo thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh - tổ trưởng tổ toán Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), đề toán có cấu trúc gần giống với đề minh họa lần 2 của Bộ GD-ĐT. Về mức độ, đề năm nay dễ hơn năm ngoái. Trong đó, đa số các câu hỏi thuộc phần kiến thức lớp 12, chỉ một số ít câu hỏi (chiếm khoảng 1 điểm) thuộc phần kiến thức lớp 11.

Tuy vậy, đề thi vẫn có khoảng 5 câu thuộc dạng phân loại thí sinh mặc dù mức độ khó không cao như những năm gần đây. Nếu để ý kỹ sẽ thấy ngay dạng toán của 5 câu này gần giống với dạng toán mà các sở GD-ĐT ra trong đề thi thử tốt nghiệp THPT ở địa phương mình. Vì vậy, nếu học sinh có học bài, chịu rèn luyện là có thể làm được 5 câu này.

Thầy Thịnh cho biết: "Năm nay phổ điểm môn toán sẽ trong khoảng 6 - 8 điểm. Trong đó, số học sinh đạt 9 - 10 điểm sẽ nhiều hơn năm trước".

Thầy Lê Văn Cường - giáo viên Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) - nhận định nhìn chung đề toán năm nay dễ, đúng tiêu chí đề thi tốt nghiệp. Chỉ có khoảng 4 câu phân hóa ở mức độ vận dụng, việc xét vào đại học dựa vào bài thi tốt nghiệp này sẽ khó hơn, vì độ phân hóa chưa cao, nhưng đề tốt nghiệp như thế là phù hợp. Phần học kỳ 2 của chương trình lớp 12 ra những câu cơ bản, đúng những phần mà bộ đã chỉ đạo trong thời gian học online vì dịch. Với đề này, hầu hết học sinh phấn khởi sau khi thi xong.

H.HG. - V.H. - M.T.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: 'Khi viết Đất nước tôi là thanh niên mới trưởng thành'

TTO - Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trả lời phóng viên Tuổi Trẻ Online trưa 9-8 sau khi bài thơ Đất nước của ông vào đề thi môn văn tốt nghiệp THPT 2020.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên