25/06/2018 09:08 GMT+7

Đề thi văn THPT quốc gia hỏi về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước

T. HÀ - T. THƯƠNG - CHÍ HẠNH - P. NGUYỄN - T. HÂN - T. THẮNG - T. THỊNH - K.NAM - B. ĐẤU - T. MAI - D.LIỄU
T. HÀ - T. THƯƠNG - CHÍ HẠNH - P. NGUYỄN - T. HÂN - T. THẮNG - T. THỊNH - K.NAM - B. ĐẤU - T. MAI - D.LIỄU

TTO - Hơn 900.000 thí sinh vừa hoàn thành bài thi môn văn kỳ thi THPT quốc gia 2018. Đề văn gồm 4 câu, trong đó có câu hỏi về tiềm lực kinh tế Việt Nam. Nhiều thí sinh cho biết 'vỡ tủ' truyện Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài).

Đề thi văn THPT quốc gia hỏi về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi môn văn tại điểm thi trường THCS Bàn Cờ Q3, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đề chính thức (120 phút):

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích:

Hãy thức dậy đất đai!

Cho áo em tôi không còn vá vai

Cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn…

xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm

rồi đi xa hơn – đẹp, và giàu, và sung sướng hơn.

Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non

châu bắu vô biên dưới thềm lục địa

rừng đại ngàn bạc vàng là thế

phù sa muôn đời như sữa mẹ

sông giàu đằng sông, bể giàu đằng bể

còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?

lòng đất rất giầu, mặt đất cứ nghèo sao?

***

Lúc này ta làm thơ cho nhau

đưa đẩy làm chi những lời ngọt lạt

ta ca hát quá nhiều về tiềm lực

tiềm lực còn ngủ yên…

Tp. Hồ Chí Minh – 1982

(Trích "Đánh thức tiềm lực", "Ánh trăng – Cát trắng – Mẹ và em",

Nguyễn Duy, NXB Hội Nhà văn, 2018, tr.289 – 290)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những yếu tố nào thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất nước?

Câu 3. Nêu hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong đoạn trích.

Câu 4. Theo anh/chị, quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ tiềm lực còn ngủ yên có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay.

Câu 2 (5.0 điểm)

Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu)1. Từ đó, anh/ chị hãy liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam)2 để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả..

Thí sinh đầu tiên hoàn thành xong bài thi môn văn tại điểm thi Trường đại học Công nghiệp Hà Nội nhận định về đề - Video: DANH TRỌNG

Thí sinh Lê Nguyễn Minh Kha, cụm thi THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh TP.HCM), chia sẻ: "Đề thi văn năm nay khá dễ. Em ôn tủ bài Vợ chồng A Phủ với chí Phèo, nhưng đề lại ra Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ. Mới vô thi em khá áp lực, viết khá chậm nên không đủ thời gian. Em hi vọng chiều nay kết quả sẽ tốt hơn".

Thí sinh Lê Nguyễn Hồng Huy (TP.HCM) nhận xét: "Đề thi trung bình không khó, đề tập làm văn ôn kỹ không khó vì 2 tác phẩm có trong chương trình. Nhưng em và các bạn trong lớp tủ phần "Vợ chồng A Phủ"." 

"Em không xét môn văn nên môn thi này em làm đủ để xét tốt nghiệp. Đề ở mức vừa sức, phần làm văn khoanh trong chương trình. Phần bạo lực gia đình quá rõ trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. Em đoán mình khoảng 5 điểm", em Hoàng Thông, Trường THPT Trần Quang Diệu vui  vẻ nói.

Thí sinh Nguyễn Thị Lan Anh (Trường THPT Nguyễn Thông, TP Vĩnh Long), người ra đầu tiên ra về tại hội đồng thi ĐH Xây dựng Miền Tây, cho biết đề thi văn năm nay tương đối. Em tự tin điểm trên trung bình. 

Thí sinh Nguyễn Đình Duy (THPT Nguyễn Thông) nói đề văn dễ, câu 1 như “cho điểm không học sinh”, các câu còn lại nếu học bài là làm được hết.

Tại điểm thi Trường THCS Trần Văn Ơn (Q1, TP.HCM) các thí sinh đã hoàn thành môn văn với vẻ mặt khá vui vẻ, thoải mái. Nhiều thí sinh nhận xét đề văn năm nay khó và hay hơn năm ngoái. Phần nghị luận xã hội về đánh thức tiềm lực khơi gợi được cảm hứng cho thí sinh khi viết. Còn phần nghị luận văn học gây bất ngờ khi ra hai tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ. Tuy nhiên, một số thí sinh tỏ ra khá buồn bã và chia sẻ rằng “bị tủ đè chết”. 

Trước đó, trên mạng xã hội và trước giờ thi, khá nhiều thí sinh cho biết mình đã ôn tủ tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài. 

 Thí sinh Bảo Trân đến từ Q. Gò Vấp chia sẻ: “Câu về tiềm lực kinh tế khá hay có nhiều ý để viết. Tuy nhiên do tư duy nhanh quá mà em quên nêu dẫn chứng về dự thảo luật đặc khu kinh tế vừa qua. Em tiếc quá!"

Nhóm thí sinh tại điểm thi THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) bật khóc khi kết thúc phần thi Văn - Video: Dương Liễu

Anh Trần Hữu Luân, phụ huynh ở xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, chia sẻ: “Câu nghị luận xã hội về tiềm lực tự nhiên sâu sắc nhưng hơi rộng, nặng và trừu tượng. Con trai tôi học tự nhiên tốt, văn yếu nhưng cả nhà thường xuyên xem báo đài, cập nhật thời sự nên mong con vận dụng được.

Thay vì nói về tiềm lực kinh tế quốc gia, con chỉ cần nghĩ về kinh tế gia đình vì có lần con hỏi mẹ tại sao phải tiết kiệm mà không nghĩ cách kiếm tiền. Chỉ cần phát huy hướng tư duy tự nhiên, chân thành, tự do nêu sáng kiến, biết đâu đời cha mẹ bí, đời con sáng ra”. 

Tại Hải Phòng, nhiều thí sinh thành phố cảng rời phòng thi trong tâm thế hứng khởi khi cho rằng đề vận dụng nhiều kiến thức trong cuộc sống.

Rời điểm thi THCS Chu Văn An, thí sinh Ngô Thị Anh Thi hào hứng cho rằng đề văn cho phép thí sinh nêu ra những suy nghĩ của bản thân trong việc đánh thức tiềm năng tự nhiên của Việt Nam là rất hay. Thí sinh này tự tin cho biết mình hoàn thành được hơn 70% bài thi.

"Tuy đề không nằm trong phần trọng tâm em nghiên cứu nhưng qua kiến thức và góc nhìn của bản thân về nền kinh tế Việt Nam hiện nay thì em vẫn hoàn thành được bài thi." - Anh Thi chia sẻ.

Cùng chung nhận định, thí sinh Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết với đề thi Văn năm nay thì bản thân đã tập trung thể hiện những tâm tư, nguyện vọng và cả "đề xuất" để làm sao đánh thức tiềm lực kinh tế đất nước.

Huyền cho rằng đề văn hay nhưng khá dài khi đòi hỏi phải vận dụng nhiều kiến thức cuộc sống.

Tại điểm trường Quốc Học Quy Nhơn (Bình Định) các thí sinh ra phòng thi sớm khoảng 30 phút và ngồi ở ghế đá đợi đến hết giờ mới ra khỏi khu vực thi. Nhiều thí sinh cho biết cảm thấy lo lắng.

Thí sinh Nguyễn Lê Hiếu (lớp 12A2 trường Quốc học Quy Nhơn) cho rằng đây là nội dung nằm ngoài kiến thức SGK chủ yếu kiến thức xã hội. Thật sự câu "đánh thức tiềm lực đất nước" khiến bạn thấy bối rối.

Nhận định về đề thi năm nay, Hiếu cho biết khá rộng bao trùm kiến thức lớp 11 và 12 nên chỉ có thể tự tin khoảng 6-7 điểm.

Tương tự thí sinh Nguyễn Hoài Phương, trường PT dân tộc nội trú Bình Định, cũng chia sẻ khá bối rối với câu 2 phần nghị luận xã hội.

"Do bọn mình bản thân chưa có nhiều kiến thức về vấn đề này nên việc liên hệ khá khó khăn. Nhưng mình vẫn tự tin được khoảng 7 điểm vì câu nghị luận xã hội mình đã ôn rất kỹ bài Chiếc thuyền ngoài xa và hai đứa trẻ" - Phương nói.

Tại Kiên Giang, ghi nhận tại điểm thi trường THCS Nguyễn Du (phường Vĩnh Bảo, Tp Rạch Giá) cho thấy sau 9 giờ đã có thí sinh lác đác rời phòng thi. Hầu hết thí sinh ra về sớm đều thi văn chỉ để xét tốt nghiệp.

Thí sinh Lâm Trọng Nghĩa, tại hội đồng thi THPT Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá), nhận định đề thi văn dù có cả nội dung lớp 10 và lớp 11 nhưng không quá khó.

Tại các hội đồng thi khác như THCS Lê Quý Đôn, THTP chuyên Huỳnh Mẫn Đạt… nhiều thí sinh cũng có cùng nhận định.

Tại 2 hội đồng thi THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt và Nguyễn Trung Trực, những thí sinh rời phòng thi sau cùng cũng là thí sinh đã tốt nghiệp THPT chương trình chuyên văn.

Đề thi văn THPT quốc gia hỏi về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước - Ảnh 4.

Thí sinh tại An Giang phấn khích sau khi thi xong môn văn - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tại An Giang, thí sinh Đỗ Hoàng Linh (trường THPT Xuân Tô, dự thi tại điểm thi THPT Chi Lăng) nhận định đề văn khó ở phần đọc hiểu. Phải vận dụng nhiều kiến thức mới làm được. Còn phần tự luận thì phải đọc kỹ đề.

"Theo em phân tích bài em cũng không dài, chỉ phân tích theo kết cấu phần dàn ý là được. Nếu không đọc kỹ mấy bạn sẽ dễ lạt đề. Phần tiềm lực đất nước theo suy nghĩ của mỗi cá nhân thì em tự tin làm được gần hết câu. Môn văn chắc em làm được khoảng 6 điểm" - em Linh nói.

Còn thí sinh Châu Thị Ngọc Vẽn (Trường THPT Xuân Tô) vừa rời khỏi phòng thi đã mừng rõ chạy lại gia đình báo tin: "Đề văn năm nay trúng vào phần con học. Con làm được lắm mẹ. Chắc ít gì cũng 7 điểm".

Theo Vẽn, phần tự luận đề cập đến bài "Chiếc thuyền ngoài xa" (Nguyễn Minh Châu) và tác phẩm "Hai đứa trẻ" (Thạch Lam) thì em đều đã học qua và đã ôn kỹ nên tự tin làm được.

"Đề này chỉ khó phần đọc hiểu là phải vận dụng suy nghĩ bản thân của mỗi bạn thôi. Còn phần tự luận phải đọc kỹ và có học bài mới làm được" - em Vẽn nói.

Nhiều thí sinh tại Quảng Ngãi cho rằng đề thi thú vị. Một số thí sinh than đề thi khó, trong khi đó một số thí sinh tự tin về bài thi và cho rằng đề dễ thở.

Thí sinh Lê Thúy Hằng, tự tin làm được khoảng 8 điểm bởi đề thi này rất thú vị và bản thân Hằng cũng quan tâm đến thời cuộc. 

"Em thấy đây là một đề thi mở, vừa kết hợp kiến thức phổ thông lẫn kiến thức xã hội, trải nghiệm của bản thân càng nhiều sẽ có kiến thức hoàn thành bài thi. Em rất thích câu hỏi 2 điểm nói về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân. 

Đây là trách nhiệm và suy nghĩ mà mỗi thí sinh sẽ trình bày. Em nghĩ câu hỏi này sẽ không có khung điểm, bởi đây là quan điểm cá nhân", Hằng nói.

Trong khi đó, nhiều thí sinh chú trọng vào khối thi tự nhiên cho rằng đề thi khó. Câu hỏi liên kết kiến thức lớp 11 "khá xương". Chỉ làm được khoảng 6 điểm.

Các thí sinh cũng cho rằng đề thi này không dành cho người học tủ. Chỉ cần thí sinh học tủ sẽ "bể tủ" ngay lập tức. Thí sinh Phương Thảo nói "Đề Văn rất rộng, không thể "tủ" được. Nhìn chung, em thấy đề thú vị, mở ra nhiều hướng cho thí sinh thể hiện quan điểm".

Đề thi văn THPT quốc gia hỏi về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước - Ảnh 5.

Tình nguyện viên tiếp sức bằng bánh ngọt, nước suối cho thí sinh Đà Nẵng sau bài thi văn - Ảnh: TẤN LỰC

Bước ra khỏi điểm thi trường THCS Nghĩa Tân (Q. Cầu Giấy, Hà Nội), thí sinh Trần Kim Thúy (THPT Lương Thế Vinh) bật khóc nức nở. Cô giáo Vũ Thị Hoài Thanh (34 tuổi) chạy ngay đến ôm chầm lấy em.

"Em làm được 3 tờ giấy thi, em làm được hết", Thúy khoe với cô giáo trong nước mắt. Cô Thanh nở nụ cười rạng rỡ, vừa lau nước mắt cho học trò vừa chúc mừng em đã hoàn thành tốt môn thi đầu tiên. Còn thí sinh Nguyễn Kim Hiền hét to: "Thắng rồi cô ơi, em làm được bài".

Cứ thế, hàng chục học sinh vây quanh lấy cô giáo trẻ và bàn luận sôi nổi về đề thi văn sáng nay.

Đề thi văn THPT quốc gia hỏi về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước - Ảnh 6.

Học sinh bật khóc ôm chầm cô giáo tại điểm thi trường THCS Nghĩa Tân, Hà Nội - Ảnh: HÀ THANH

Đề thi văn THPT quốc gia hỏi về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước - Ảnh 7.

Cô trò trao nhau nụ cười sau môn thi đầu tiên - Ảnh: HÀ THANH

TP.HCM có 5 thí sinh đặc biệt, dự thi riêng

TTO - Các thí sinh này thuộc diện được đặc cách tốt nghiệp THPT nhưng do nhu cầu xét tuyển đại học các em vẫn đăng ký dự thi. Mỗi thí sinh được dự thi trong phòng thi riêng.

T. HÀ - T. THƯƠNG - CHÍ HẠNH - P. NGUYỄN - T. HÂN - T. THẮNG - T. THỊNH - K.NAM - B. ĐẤU - T. MAI - D.LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên