04/04/2020 11:31 GMT+7

Đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2020: Bám sát kiến thức cơ bản

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG - THẢO THƯƠNG ghi
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG - THẢO THƯƠNG ghi

TTO - Chiều 3-4, Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo của kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Đề thi, dựa trên chương trình tinh giản mà bộ đã công bố trước đó, được đánh giá là bám sát kiến thức cơ bản.

Đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2020: Bám sát kiến thức cơ bản - Ảnh 1.

Thí sinh TP.HCM tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Khi xây dựng đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, chúng tôi đã phải tính toán, làm sao để phù hợp với nội dung chương trình được Bộ GD-ĐT giảm tải, đồng thời cũng phải phù hợp với điều kiện dạy học của các địa phương hiện nay. Đề thi đảm bảo không gây sốc, không làm khó cho thí sinh.

Ông Mai Văn Trinh (cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT)

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến, bình luận, phân tích của các thầy cô, chuyên gia về đề thi tham khảo. Mời bạn đọc xem đề thi các môn cụ thể trên tuoitre.vn.

Môn văn không "làm khó" học sinh

* Cô Phạm Hà Thanh (giáo viên ngữ văn Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội):

co pham ha thanh 1

Cô Phạm Hà Thanh

Về cấu trúc, đề thi tham khảo năm 2020 không có nhiều thay đổi so với đề thi tham khảo và đề thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Đề thi cũng có các phần kiểm tra đọc hiểu, phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học. 

Phần đọc hiểu chọn một văn bản ngoài sách giáo khoa cũng quen thuộc với học sinh các năm gần đây. 

Phần nghị luận xã hội thường là câu hỏi mở cũng đã được giáo viên ôn luyện nhiều cho học sinh. Riêng câu nghị luận văn học, cách đặt vấn đề có khác so với năm ngoái.

Năm 2019, câu hỏi nghị luận văn học trong đề thi tham khảo khó hơn đề thi chính thức và khó hơn so với đề thi tham khảo năm nay. 

Câu nghị luận văn học sẽ là câu phân hóa của đề thi ngữ văn. Nhưng với câu hỏi như trong đề thi tham khảo cũng không "làm khó" thí sinh. Nhìn chung đây là đề thi rất cơ bản, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT.

* Thầy Trương Minh Đức (giáo viên môn văn Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM):

truong m duc 04042020

Thầy Trương Minh Đức


Đề thi tham khảo môn văn năm nay quá dễ. Phần đọc - hiểu có đến 2 câu hỏi thuộc dạng nhận biết, câu số 3 thuộc dạng thông hiểu và câu 4 dạng vận dụng thấp nhưng cũng dễ làm chứ không khó.

Ở phần này đa số thí sinh sẽ hưởng trọn 3 điểm. 

Ở phần làm văn, câu hỏi về nghị luận xã hội thuộc dạng đơn giản vì đưa ra một vấn đề hiển nhiên, thí sinh không cần phải phản biện, chỉ cần khẳng định sự hiển nhiên ấy mà thôi. 

Câu hỏi này không kích thích sự tư duy của thí sinh. Tôi bất ngờ với câu hỏi nghị luận văn học vì chỉ cần thí sinh có học bài, thậm chí học thuộc lòng là làm được.

Nhưng đề dễ quá cũng khiến tôi lo lắng. Thứ nhất, liệu đề thi chính thức có bám sát tinh thần của đề minh họa hay không (vì mùa thi năm trước đề chính thức rất khác đề minh họa). 

Thứ hai, ở đề minh họa này, hầu hết các câu hỏi chỉ nhằm kiểm tra khả năng ghi nhớ của thí sinh. 

Vậy chủ trương đổi mới phương pháp giảng dạy, dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh có cần duy trì và thực hiện nữa không?

Đề toán phù hợp với tinh thần "giảm tải"

* Thầy Lê Văn Cường (giáo viên môn toán Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội):

thay le van cuong

Thầy Lê Văn Cường

Đề thi tham khảo có 5 câu thuộc kiến thức lớp 11 (cấp số, đại số tổ hợp, xác suất, khoảng cách và góc), còn lại là chương trình lớp 12. 

Trong đó nội dung kiến thức ở phần cuối lớp 12 có mức độ cơ bản, phù hợp với tinh thần giảm tải của Bộ GD-ĐT.

Nhìn chung đề thi bám sát kiến thức cơ bản, tuy nhiên cũng có độ phân hóa ở một số câu hỏi. Cụ thể khoảng 30 câu cơ bản, 15 câu vận dụng, 5 câu vận dụng cao. 

Như vậy học sinh trung bình có thể đạt 6-7 điểm, học sinh khá đạt 7-8 điểm. Học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, có khả năng vận dụng có thể đạt điểm giỏi.

Đề thi tham khảo năm nay không dễ hơn so với đề chính thức của năm ngoái, phần khó chủ yếu thuộc chương trình học kỳ 1 và đầu học kỳ 2 của khối 12. 

Học sinh cần ôn tập kỹ những nội dung như đọc đồ thị, ứng dụng của đạo hàm, tích phân kết hợp đồ thị của hàm số, các bài toán về hàm hợp, không nên học quá nhiều về những bài số phức khó như các năm.

* Thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh (giáo viên môn toán Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM):

ngo pham hung thinh 04042020

Thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh


Có lẽ do tình hình học sinh trên cả nước nghỉ học dài ngày để tránh dịch bệnh nên Bộ GD-ĐT ra đề minh họa khá dễ. 

Số lượng câu hỏi thuộc dạng nhận biết và thông hiểu chiếm khoảng 70% đề thi. Số câu dạng vận dụng cao ít hơn năm ngoái, độ khó cũng giảm xuống. 

Với đề thi này, học sinh trung bình cũng có thể đạt 6-7 điểm, số thí sinh đạt 10 điểm sẽ rất nhiều. Đề dễ sẽ giảm áp lực học tập cho đại đa số học sinh cuối cấp.

Tuy nhiên, một số học sinh giỏi lại tỏ ra lo lắng vì các em dự thi vào những trường ĐH top đầu, đề dễ quá thì các trường ĐH top đầu sẽ tuyển sinh như thế nào?


Đề tiếng Anh không dễ

* Cô Nguyễn Thùy Dương (giáo viên tiếng Anh Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội):

co thuy duong

Cô Nguyễn Thùy Dương


Với đề thi tham khảo này thì phổ điểm thi môn tiếng Anh của cả nước cũng sẽ tương tự năm trước. 

Đặc thù của môn tiếng Anh có sự chênh lệch khá lớn về chất lượng dạy học, trình độ học sinh giữa các địa phương nên với mức độ các câu hỏi trong đề thi tiếng Anh này, học sinh các thành phố lớn có thể sẽ đạt kết quả khá, giỏi nhiều, nhưng ở một số vùng khó khăn kết quả có thể sẽ thấp.

Đề thi có cả nội dung kiến thức lớp 10, lớp 11, nhưng chủ yếu ở lớp 12, nhìn chung khá cơ bản bao gồm các câu hỏi về ngữ pháp, ngữ âm. 

Học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đáp ứng phần lớn yêu cầu của đề. Nhưng có một số câu hỏi về từ vựng, thành ngữ thuộc mức vận dụng cao. Những câu này tương đối khó đòi hỏi học sinh phải trau dồi mở rộng vốn từ nhiều mới có thể làm được.

* Thầy Nguyễn Tấn Sang (giáo viên tiếng Anh Trường THPT Marie Curie, TP.HCM):

thay nguyen tan sang 04042020

Thầy Nguyễn Tấn Sang

Cấu trúc đề thi vẫn y như năm trước, bao gồm 50 câu trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn được chia thành 11 phần. 

Đối với môn tiếng Anh, phần giảm tải của bộ không thay đổi quá nhiều đến khối lượng kiến thức trong đề thi vì các phần giảm tải tập trung chủ yếu ở kỹ năng nghe và nói. 

Kỹ năng đọc (từ vựng) và ngữ pháp hầu như không giản lược nhiều.

Phần vận dụng cao nhằm phân hóa thí sinh vẫn nằm chủ yếu trong khoảng 5-10 câu liên quan đến từ vựng và phần đọc hiểu. 

Phần ngữ pháp nhẹ nhàng, cơ bản, tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12, song vẫn có một số phần kiến thức ngữ pháp của chương trình tiếng Anh lớp 10, 11.

Không thể bỏ qua kiến thức tự học

Với môn toán, thầy Nguyễn Thanh Quang - giáo viên môn toán Trường THPT chuyên Lê Khiết, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết: "Nhìn chung, đề toán minh họa không có chương trình lớp 10, lớp 11 có 5 câu, còn lại lớp 12 là 45 câu, chiếm 90%.

Năm nay đề nhẹ hơn năm ngoái. Tuy nhiên cần phải chú ý dù đề không rơi vào phần giảm tải nhưng kiến thức bao giờ cũng liên quan, nên có những nội dung thuộc về kiến thức ở nhà, học sinh không thể bỏ qua. Và đề có những điểm móc xích trong nội dung kiến thức đó".

Bộ GD-ĐT: Đề thi THPT Quốc gia sẽ dựa trên chương trình giảm tải Bộ GD-ĐT: Đề thi THPT Quốc gia sẽ dựa trên chương trình giảm tải

TTO - Sáng nay 25-3, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 sở GD-ĐT để bàn giảm tải chương trình cho học sinh do ảnh hưởng COVID-19.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG - THẢO THƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên