Cụ thể, đề thi với 180 phút gồm hai phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Thí sinh sợ khó lấy điểm
Trong phần nghị luận xã hội, đề có nội dung: "Bàn về vai trò của dân tộc đối với sự phát triển của mỗi con người, Xuân Diệu viết: "Không đứng vào dân tộc, như cây không đứng vào đất, làm gì có sức chắc chắn để phát triển cho đến tận cùng". Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến đó?".
Phần nghị luận văn học, đề ra: Trên con đường sáng tạo, Nam Cao đã nghĩ tới "một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người". Đó cũng là khát vọng của Nguyễn Minh Châu khi ông trăn trở vì sao văn học Việt Nam "không là văn học của cả thiên hạ, của cả loài người". Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về những niềm khát khao, trăn trở ấy".
Em Đỗ Thu Hương, học sinh một trường THPT ở tỉnh miền Trung tham gia thi học sinh giỏi văn THPT năm học 2020 - 2021, nhận định đề: "Vấn đề câu 2 em đã nghe, đã gặp nhưng để hiểu biết hết mà trình bày để lấy điểm thì cực kỳ khó. Còn câu 1, tính dân tộc nó thể hiện trước hết ở suy nghĩ, thái độ, cuộc sống bản thân, sau đó mới nhân rộng ra, nghĩ rộng ra. Đề với em không khó không dễ nhưng câu 1 với em thú vị hơn".
Giáo viên người chê cũ kỹ, người khen hay
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh - tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (tỉnh Phú Yên) nhận xét: "Từ quan điểm cá nhân, tôi cho rằng đề thi dù đem đến những ý nghĩa nhất định nhưng nhìn chung không hay, cũ kỹ, cách hỏi không kích thích được khả năng sáng tạo của học sinh.
Câu nghị luận xã hội, cho một nhận xét của Xuân Diệu bàn về vai trò của dân tộc đối với sự phát triển của mỗi con người.
Đây là một vấn đề rất cũ, rất quen thuộc, đã được bàn đến trong nhà trường từ rất lâu. Cách hỏi cũng đơn thuần chỉ là đưa ra nhận định và yêu cầu trình bày suy nghĩ mà không có gì mới mẻ, đột phá. Với một điều đã rất cũ như vậy, tôi nghĩ học sinh đa số đều làm được nhưng sẽ ít cảm thấy hứng thú, do đó khó phát huy được sức nghĩ, sức viết của các em".
Về câu nghị luận văn học, thầy Minh nói: "Đây là một vấn đề lớn, phức tạp mà theo tôi với mức độ của học sinh phổ thông dù là học sinh giỏi cũng là quá tầm. Cách hỏi cũng chỉ đơn thuần là đưa ra ý kiến và yêu cầu trình bày suy nghĩ.
Với cách hỏi này, học sinh thường sẽ chỉ tập trung khẳng định, tán dương hai ý kiến mà ít có cơ hội thể hiện sự sáng tạo riêng, chính kiến riêng của mình".
Trái quan điểm, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM) nhận định đề văn năm nay quá hay. "Câu nghị luận xã hội đề rất hay, rất phù hợp với tầm nhận thức của học sinh giỏi quốc gia" - thầy Bảo nói.
Với câu 2, đây là vấn đề lý luận văn học đơn giản, không khó. "Khi đi ôn thi học sinh giỏi quốc gia chắc chắn giáo viên đã dạy cho học sinh hết những kiến thức về lý luận văn học đã có trong đề. Cho nên, đa số các em sẽ làm được đề này. Tuy nhiên, để đạt điểm tốt đòi hỏi các em phải có cái nhìn hay, cái nhìn sâu sắc và phải sáng tạo. Như vậy, những bài điểm cao ở câu này chắc chắn phải là những bài rất đặc sắc..." - thầy Bảo phân tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận